Ngày 17/6, bé Phạm Thi Mơ, ở Việt Hùng, Vũ Thư, Thái Bình vào Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng hôn mê do suy gan. Gan không hoạt động khiến các chất độc tích tụ trong cơ thể dẫn đến hôn mê.
|
Bé Mơ sau ca mổ đã có thể tự thở được mà không cần máy. Ảnh: Nam Phương. |
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện, người trực tiếp tham gia ca mổ cho biết: "Tình trạng của bé rất nguy kịch, cần được ghép gan ngay. Tuy nhiên, từ trước đến nay những ca ghép gan như thế đều có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài. Nhưng nếu đợi họ thì sẽ quá muộn vì thế chúng tôi phải tự mổ".
Ông Liêm cũng cho biết, trước đó các bác sĩ đã tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân. Đến chiều ngày 18/6, các chất độc đã hạ nhưng bé vẫn hôn mê. Bên cạnh đó, tình trạng rối loạn đông máu cũng rất trầm trọng.
Diến biến bệnh của trẻ tiếp tục xấu đi, bắt đầu xuất huyết đường tiêu hóa. Vì thế, 4 giờ 30 chiều ngày 19/6, các bác sĩ quyết định thực hiện ca ghép gan. Khi đó, tình trạng bệnh nhi nguy kịch hơn rất nhiều, xuất huyết tai, phổi, khí quản.
Ca mổ kéo dài đến 4 giờ sáng ngày hôm sau (trong gần 12 giờ). Gan ghép được lấy từ người mẹ.
Ông Liêm cũng cho biết, cái khó nhất ở đây là trẻ được phẫu thuật trong tình trạng cấp cứu. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện 6 ca ghép gan nhưng đều là cho bệnh nhân mắc bệnh gan mãn tính. Với những trường hợp này, mới đầu máu từ gan về tim bị tắc một phần. Đến khi gan bị xơ thì máu không về tim theo con đường chính thống nữa mà hình thành các đường tắt.
"Vì thế khi mổ, bác sĩ có con cắt bỏ con đường chính thì máu vẫn về tim được. Nhưng nếu là mổ cấp cứu suy gan tối cấp thì cắt bỏ gan cũng đồng thời cắt con đường dẫn máu đến tim. Như thế nếu không làm nhanh, máu sẽ bị tích tụ lại trong ruột gây chảy máu tiêu hóa, dễ dẫn đến tử vong", tiến sĩ Liêm giải thích.
Cũng theo ông, điều đặc biệt nữa là ca mổ này hoàn toàn do bác sĩ Việt Nam thực hiện. Hàng năm ước tính tại bệnh viện có khoảng 30 trẻ bị suy gan tối cấp tử vong vì không được ghép gan kịp thời. Vì thế, đây được coi là bước tiến mới của nền y học nước nhà.
Tình trạng suy gan tối cấp thường do ngộ độc thuốc (như dùng paracetamol quá liều) hoặc do virus. Với trường hợp của bé Mơ, theo các bác sĩ có thể do uống thuốc paracetamol - dù không phải liều quá cao nhưng trên một nền viêm gan nên dẫn đến suy gan rất nguy kịch.
Hiện bé đã tỉnh, sức khỏe tiến triển tốt, gan bắt đầu hoạt động và trẻ có thể tự thở được. Tuy nhiên, bé vẫn được theo dõi kỹ lưỡng vì lo ngại vấn đề nhiễm trùng. Ngoài ra cũng cần đảm bảo các mạch máu nối phải thông.
Nam Phương