Cuộc thử nghiệm sử dụng Dongfu No. 1, bệ nổi dùng để sản xuất hydro ngoài khơi, và đã được xác minh bởi một nhóm chuyên gia từ Viện Kỹ thuật Trung Quốc (CAE). Tập đoàn Điện lực Dongfang (DEC) phối hợp với nhóm chuyên gia của Xie Heping, viện sĩ tại CAE, cùng phát triển bệ nổi này. Nó tích hợp nhiều hệ thống, bao gồm hệ thống sản xuất hydro tại chỗ, quản lý chuyển đổi năng lượng thông minh, kiểm soát và đảm bảo an toàn.
Đây là bệ nổi sản xuất hydro đầu tiên trên thế giới kết hợp với năng lượng tái tạo, theo DEC, một trong những nhà sản xuất thiết bị phát điện lớn nhất thế giới. Bệ nổi hoạt động ổn định hơn 240 giờ sau khi trải qua thử thách về gió lớn, những cơn sóng cao 1 m và mưa bão.
Đại dương là nguồn hydro lớn nhất. Tuy nhiên, thành phần phức tạp của nước biển - gồm hơn 90 nguyên tố hóa học, một lượng lớn vi sinh vật và các hạt lơ lửng - gây ra các vấn đề về ăn mòn và độc tính, làm mất hoạt tính của chất xúc tác, giảm hiệu suất điện phân cùng nhiều trở ngại kỹ thuật và thách thức khác.
Phương pháp điện phân nước biển gián tiếp phụ thuộc vào thiết bị khử mặn quy mô lớn, khiến quá trình này trở nên phức tạp, đắt đỏ và tốn tài nguyên đất. Về phương pháp điện phân trực tiếp nước biển (không cần khử mặn), gần nửa thế kỷ qua vẫn chưa có bước đột phá nào giúp ngăn các thành phần phức tạp trong nước biển tác động đến hệ thống sản xuất hydro. Hiện tại, các công nghệ điện phân nước thường dựa vào nước ngọt siêu tinh khiết.
Xie cho biết, phương pháp họ sử dụng có thể phân tách ảnh hưởng của hơn 90 nguyên tố phức tạp và vi sinh vật trong nước biển, làm thay đổi các phương pháp sản xuất hydro thông dụng. Theo Xie, chiến lược điện phân nước biển trực tiếp kết hợp với năng lượng gió ngoài khơi, có thể thay đổi cách thế giới phát triển năng lượng trong tương lai.
Nghiên cứu liên quan đã công bố trên tạp chí Nature ngày 30/11/2022, đồng thời được Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đánh giá là một trong 10 tiến bộ khoa học hàng đầu năm 2022.
Thu Thảo (Theo CGTN)