Nhựa không chỉ tấn công các loài động vật biển mà còn đi vào cơ thể người. Theo Sky News, đây là kết luận từ nghiên cứu của nhóm nhà khoa học do tiến sĩ Philipp Schwabi từ Đại học Y Vienna (Áo) đứng đầu.
Trước đó, các nhà khoa học đã xét nghiệm phân của tám tình nguyện viên ở Anh, Phần Lan, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Ba Lan, Nga và Áo. Kết quả cho thấy cứ mỗi 10 g phân lại chứa 20 hạt nhựa siêu nhỏ (microplastic).
Tổng cộng, nhóm tác giả liệt kê được 9 loại hạt nhựa, phổ biến nhất là polypropylene (PP) và polyethylene terephthalate (PET) thường thấy trong bao bì đồ ăn, thức uống. Chúng có chiều rộng từ 50 đến 500 micrometres.
"Hạt nhựa siêu nhỏ là nguy cơ với tất cả chúng ta, đặc biệt với những ai bị bệnh đường tiêu hóa", tiến sĩ Schwabi cho biết. "Dù nghiên cứu trên động vật chỉ ra hạt nhựa tập trung chủ yếu trong ruột, các hạt siêu nhỏ vẫn có thể xâm nhập mạch máu, hệ bạch huyết, thậm chí tới gan. Một khi đã tìm thấy bằng chứng hạt nhựa đi vào cơ thể người, chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu xem điều này ảnh hưởng sức khỏe như thế nào".
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học không truy tìm nguồn gốc các hạt nhựa. Tuy nhiên, nhật ký ăn uống của các tình nguyện viên cho thấy tất cả họ đều dùng thức ăn, thức uống đựng trong đồ nhựa. Không ai ăn chay và sáu người thường xuyên ăn cá.
Ước tính khoảng 5% đồ nhựa đổ ra biển. Tại đó, chúng tiêu hủy dần dần và bị động vật biển ăn vào. Cá ngừ, tôm hùm và tôm từng được chỉ ra là nhiễm nhiều hạt nhựa.
Trước thông tin cơ thể người chứa hạt nhựa, không phải mọi chuyên gia đều lo lắng. Giáo sư Alistair Boxall từ Đại học York bày tỏ: "Tôi không ngạc nhiên với phát hiện này. Các hạt nhựa siêu nhỏ đã từng được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, cá, mô và cả trong bia".
"Chúng ta cũng sẽ tiếp xúc với các hạt nhựa từ bụi trong nhà, vật liệu bao bì thức ăn và chai nhựa. Do đó, không thể tránh được việc một phần những hạt này sẽ đi vào phổi và hệ thống tiêu hóa".