Đây là ca ghép tim - thận cho một bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam và ca ghép đa tạng thứ 4 cả nước. Còn lại, các ca ghép tạng trước đây đều ghép đơn tạng, tức một bộ phận cơ thể.
Bệnh nhân này quê Tây Nguyên, mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim và rối loạn nhịp nặng. Căn bệnh dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, anh phải chạy thận nhân tạo liên tục trong 5-6 năm nay. Do các cơn nhịp nhanh cấp tính, anh thường xuyên điều trị cấp cứu ở các trung tâm tim mạch lớn ở TP HCM và Huế.
Tất cả biện pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả, các bác sĩ nhận định chỉ còn giải pháp mổ ghép cả tim và thận mới cứu được bệnh nhân. Giữa năm 2022, hội đồng chuyên môn Bệnh viện Việt Đức thống nhất chỉ định thực hiện ca ghép đồng thời cả tim và thận cho bệnh nhân với nguồn tạng hiến từ người cho chết não.
Trong hơn 6 tháng tiếp theo, không có trường hợp chết não nào hiến tạng thực sự phù hợp với bệnh nhân. Đầu tháng 2, cơ may đến. Một bệnh nhân bị chết não do chấn thương sọ não, gia đình đồng ý hiến đa tạng để cứu các ca nặng khác. Tuy nhiên người hiến bị hỏng một số tạng do chấn thương nên chỉ còn trái tim và một quả thận. May mắn các chỉ số sinh học của người hiến đều phù hợp với bệnh nhân trên.
Để chuẩn bị cho ca ghép tim và thận này, các bác sĩ đã chuẩn bị rất kỹ càng. Bác sĩ Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm mạch, Bệnh viện Việt Đức, cho biết ghép tim và ghép thận là các kỹ thuật thường quy tại bệnh viện. Tuy nhiên ghép cả hai tạng cùng lúc như lần này là một thách thức lớn, các phương án mổ ghép được tính toán đến từng chi tiết.
"Chúng tôi phải ghép tim trước sau đó mới đến thận. Sau ghép tim, huyết động bệnh nhân chưa ổn định trong khi thận ghép vào đòi hỏi phải có điều kiện tốt nhất. Vì vậy, việc hậu phẫu vô cùng khó khăn, ê kíp đã cố gắng cân đối tối ưu hỗ trợ trái tim sao cho đủ áp lực tưới máu cho thận", bác sĩ Ước chia sẻ, ngày 24/2.
Ca ghép kéo dài 10 giờ, từ 9h đến 19h ngày 17/2, với khoảng 80 y bác sĩ tham gia, chia làm 3 kíp. Tất cả diễn biến trong ca mổ hoàn toàn phù hợp với các quy trình đã chuẩn bị rất kỹ từ trước, theo bác sĩ Ước. Diễn biến sau mổ khá nặng nề, cả về chức năng tim ghép cũng như thận ghép, song đều nằm trong dự kiến.
Ngày thứ 8 sau ghép, các chức năng của tim và thận đã phục hồi gần như bình thường, bệnh nhân có thể ngồi dậy ăn uống và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp. Bệnh nhân tiếp tục điều trị trong vài tuần theo các phác đồ chung sau ghép tạng.
Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đánh giá "ca ghép thành công" nhờ sự phối hợp giữa các chuyên khoa Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Ghép tạng, Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa, khoa Thận nhân tạo, khoa phẫu thuật Tiết niệu...
"Chúng tôi phối hợp nhuần nhuyễn giữa ê kíp phẫu thuật tim và thận, gây mê hồi sức; chuẩn bị kỹ giai đoạn nào cho huyết áp tăng lên, lúc nào giảm xuống để giữ được chức năng tim và thận cho bệnh nhân", ông Giang nói, thêm rằng Việt Nam tiến tới không chỉ ghép hai tạng mà sẽ ghép cùng lúc nhiều tạng hơn nữa.
30 năm qua, Việt Nam có hơn 6.500 ca ghép tạng thành công. Trong đó, hơn 6.000 ca ghép thận, 384 ca ghép gan, 59 ca ghép tim. Đến nay Việt Nam có 16 cơ sở y tế ghép thận, 5 nơi ghép gan, 3 nơi ghép tim và đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên sâu để thực hiện các kỹ thuật khó. Bệnh viện Việt Đức từng lập kỷ lục trong 13 ngày tiến hành 23 ca ghép tạng, vào năm 2020.
Cách đây hai năm, Bệnh viện Việt Đức từng ghép cùng lúc hai tạng gan - thận cho bệnh nhân, đến nay hoàn toàn khỏe mạnh. Bệnh viện 103 từng ghép hai tạng tụy - thận và Bệnh viện Trung ương Huế từng ghép cùng lúc tim - phổi.
Trên thế giới, ca ghép đa tạng tương đối ít. Riêng tại Mỹ, năm 2021 tiến hành 41.000 ca ghép đơn tạng và khoảng 1.300 ca ghép đa tạng. Theo các chuyên gia Đại học Duke, Mỹ, rủi ro của ghép tạng đa cơ quan thường cao hơn rủi ro của ghép tạng riêng lẻ, ca phẫu thuật đòi hỏi chuyên môn y tế và kỹ năng tiên tiến chỉ có sẵn tại các bệnh viện hàng đầu.
Lê Nga