Các đội bóng càng được truyền hình trực tiếp nhiều, càng thu được nhiều tiền. Ảnh: Anh Tuấn |
Từ năm 2002, LĐBĐ Việt Nam đã đặt ra vấn đề bản quyền truyền hình trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong điều kiện và cơ chế hiện nay (như nhân dân có quyền được hưởng một số phúc lợi xã hội miễn phí), bản quyền truyền hình các trận bóng đá ở Việt Nam chưa sớm thực hiện được.
Sáng nay, một bước tiến quan trọng trong vấn đề bản quyền truyền hình các trận bóng đá đã được thực hiện. LĐBĐ Việt Nam đã ra một quy chế tạm thời về khai thác bản quyền truyền hình trong năm 2005. Ngoài Đồng Tháp và Hoa Lâm Bình Định (vắng mặt trong buổi họp), 10 đội bóng còn lại ở V-League đã ký vào bản quy chế.
Bản quyền truyền hình sẽ được bán theo từng trận với tỷ lệ: LĐBĐ Việt Nam được hưởng 50%, hai đội bóng tham dự trận đấu hưởng 50% (đội chủ nhà hưởng 35%, đội khách 15%). |
Tuy nhiên, mức tiền bản quyền truyền hình 20 triệu đồng/trận trực tiếp, dù mới là bước đầu, theo nhiều đại biểu vẫn là "hơi ít". Theo tỷ lệ chia của Liên đoàn, đội chủ nhà của trận được truyền trực tiếp nhận 7 triệu đồng, đội khách 3 triệu. Các lãnh đội đề nghị nên tăng lên là 50 triệu đồng/trận. Tuần sau, LĐBĐ Việt Nam sẽ họp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) để bàn thêm về vấn đề này.
Theo bản quy chế trên, LĐBĐ Việt Nam là chủ sở hữu giải V-League, sẽ thay mặt các CLB ký kết với VTV và đài địa phương để thực hiện vấn đề bản quyền truyền hình năm 2005. VTV đã quyết định mua 22 trận đấu ở V-Leauge cho VTV3, và 22 trận đấu cho VCTV3 (kênh thể thao của truyền hình cáp).
LĐBĐ Việt Nam cam kết sẽ bảo đảm quyền lợi cho cả VTV và đài địa phương. Hiện nay, có một số CLB Cảng Sài Gòn, GĐT, Bình Dương đã thoả thuận vấn đề truyền hình trực tiếp các trận đấu của mình với các đài địa phương. LĐBĐ Việt Nam quyết định sẽ tôn trọng các bản hợp đồng này, và không đòi hỏi vấn đề bản quyền vì bản quy chế của Liên đoàn ra đời sau các cuộc thoả thuận trên.
Đối với các trận đấu đài địa phương truyền hình trong năm nay trùng với các trận VTV3 đã lên lịch từ trước, các đài địa phương phải tránh. Tuy nhiên, các đài địa phương vẫn có quyền tiếp sóng toàn bộ trận đấu, nhưng phải để nguyên logo của đài truyền hình Việt Nam. Ngoài 22 trận đấu đã lên lịch từ đầu mùa giải, nếu VTV3 muốn thay đổi lịch phát sóng trận nào cũng đều phải làm việc với đài địa phương đã có quyền phát sóng trận đấu đó.
Còn với truyền hình cáp VCTV 3, chưa có lịch phát sóng các trận đấu từ đầu giải, nếu phát sóng trận đấu nào trùng với đài địa phương cũng phải làm việc trực tiếp với đài đó.
Trên thế giới, thực hiện bản quyền truyền hình có 3 giai đoạn. 1. Trong giai đoạn bóng đá đang phát triển, các CLB cần truyền hình để sản phẩm của mình được nhắc tới. Khi đó, các CLB bóng đá cần vận động, câu kéo truyền hình. 2. LĐBĐ các nước thay mặt các CLB thực hiện khai thác bản quyền truyền hình với 2 giai đoạn: mua từng trận và mua cả giải. 3. Giai đoạn phát triển cao khi đằng sau các CLB là các tập đoàn mạnh. Sau khi các CLB đóng góp tiền tổ chức giải cho LĐBĐ, các CLB có quyền tự khai thác bản quyền. * Việt Nam đang ở giai đoạn 2 với hình thức mua từng trận. |
H. Liên