Tại cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh thông báo về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 và đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự vào sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 80 hải lý.
Phó thủ tướng nêu rõ: "Hành vi của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 và Tuyên bố DOC; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như các nỗ lực củng cố lòng tin trong khu vực".
Ông kêu gọi các nước ASEAN đồng lòng thể hiện thái độ trước những diễn biến nghiêm trọng trên Biển Đông. Và trưa nay, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã ra một tuyên bố dành riêng về tình hình Biển Đông, trong Hội nghị Ngoại trưởng ở thủ đô Naypyitaw, Myanmar.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, đây là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ 1995), ASEAN ra một Tuyên bố riêng về một tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Tuyên bố nêu rõ các bộ trưởng ngoại giao ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực.
Các bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, thực hiện kiềm chế và tránh có các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cũng như Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 Kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Các Bộ trưởng đồng thời kêu gọi tất cả các bên tham gia Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Đây là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, kể từ năm 1995, ASEAN ra một Tuyên bố riêng về một tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Cách hành xử hung hăng của các tàu Trung Quốc - đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, cho tàu phun nước, húc và đâm tàu Việt Nam - vấp phải sự lên án của nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Reuters
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN được tổ chức một ngày trước hội nghị thượng đỉnh của hiệp hội, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa các nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines với Trung Quốc, một thế lực lớn trong khu vực và cũng là một trong những đối tác kinh tế chính của tổ chức.
ASEAN có ký với Trung Quốc bản thỏa thuận về DOC năm 2002. Tuy nhiên văn bản này không có tính ràng buộc, và hai bên đang thảo luận xây dựng bộ quy tắc chặt chẽ hơn (COC). Ngoại trưởng Philippines hôm qua cho hay nước này sẽ đề nghị đẩy nhanh tiến trình đàm phán để có bộ quy tắc.
Trước tuyên bố của hội nghị hôm nay, các nước gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Liên minh châu Âu đã lên tiếng bày tỏ lo ngại hoặc mạnh hơn nữa là chỉ trích hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam. Vấn đề Biển Đông sẽ được nêu ra tại hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra ngày mai.
Trọng Giáp