Nhóm nghiên cứu, trong đó có hai chuyên gia Marta Krenz-Niedbala và Sylwia Lukasik tại Đại học Adam Mickiewicz, giải thích cách họ tạo ra mô hình 3D của hộp sọ người đàn ông mắc hội chứng lùn trong nghiên cứu mới công bố trên cơ sở dữ liệu bioRxiv, IFL Science hôm 30/8 đưa tin. Hộp sọ được khai quật trong một nghĩa địa ở Lekno, Ba Lan, vào năm 1990, thuộc về một người đàn ông Trung Cổ.
Không lâu sau khi khai quật, các chuyên gia chẩn đoán người này mắc hội chứng lùn achondroplastic (ACH) - dạng loạn sản xương phổ biến nhất, xảy ra ở khoảng 4 trong 100.000 ca sinh. Người đàn ông Trung Cổ chết khi khoảng 30 - 45 tuổi, cao 115 cm và sống vào khoảng thế kỷ 9 - 11.
Để phục dựng, nhóm chuyên gia xoay nhẹ xương 360 độ trên một chiếc bàn xoay và quét nhiều góc khác nhau theo thời gian thực, thu thập dữ liệu về toàn bộ hộp sọ, trừ hai chiếc răng lung lay không được quét. Sau khi quét hình ảnh hộp sọ, họ thêm những vật đánh dấu độ dày mô mềm ở 31 điểm giải phẫu học, sử dụng dữ liệu lấy từ các bản quét siêu âm của người sống.
Để liên kết mô mềm và xương với nhau, nhóm nghiên cứu xếp chồng bản quét khuôn mặt của một người hiến tặng lên trên mẫu vật cổ xưa. Người hiến tặng này không mắc hội chứng lùn nên nhóm nghiên cứu đã phải làm biến dạng hộp sọ, khiến nó tương thích với hộp sọ của người đàn ông Trung Cổ.
"Theo hiểu biết của chúng tôi, chưa có bất kỳ bản phục dựng khuôn mặt nào khác của một cá nhân mắc hội chứng lùn, nên có thể coi đây là nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này trên thế giới", nhóm chuyên gia cho biết.
Kỹ thuật tái tạo khuôn mặt vẫn đang trong quá trình phát triển nhưng đã được áp dụng thành công để làm sống lại nhiều nhân vật từ quá khứ xa xôi, giúp giới khoa học hiểu thêm về con người thời xưa. Tháng 6, nghiên cứu mới xuất bản trên sách điện tử OrtogOnline miêu tả quá trình các chuyên gia tái tạo khuôn mặt của một cá nhân thuộc loài Homo floresiensis, chi Homo (chi Người), sống cách đây 50.000 năm và hiện đã tuyệt chủng.
Thu Thảo (Theo IFL Science)