Nhóm nghiên cứu ở Đại học Kyoto, Nhật Bản, phát hiện tinh tinh hoang dã trong rừng mưa trên núi Nimba ở Guinea có thói quen bắt và ăn thịt cua, không phải hành động cơ hội hay do nguồn thức ăn khác khan hiếm. Đây là lần đầu tiên hành vi săn cua được quan sát ở một loài linh trưởng không phải con người. Trong báo cáo đăng trên tạp chí Human Evolution, các nhà khoa học cho biết nghiên cứu này có thể giúp tìm hiểu tổ tiên loài người bắt đầu ăn hải sản như thế nào và từ khi nào.
Hàng triệu năm trước, nguồn thức ăn của con người thời sơ khai rất giống tinh tinh ngày nay, chủ yếu gồm hoa quả, các loại hạt, thực vật. Khoảng 2,6 triệu năm trước, họ bắt đầu ăn thịt, nhưng có bằng chứng chỉ ra việc con người đưa các động vật dưới nước vào chế độ ăn như rùa, cá sấu và cá cách đây 1,95 triệu năm giúp cung cấp những hợp chất thiết yếu cho não phát triển. Điều này đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa bộ não lớn hơn.
"Hệ động vật dưới nước mà tổ tiên của chúng ta tiêu thụ chắc chắn cung cấp axit béo không bão hòa đa chuỗi dài cần thiết để tối ưu hóa sự phát triển và chức năng của bộ não", Kathelijne Koops, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Nhóm nghiên cứu lần đầu tiên quan sát tinh tinh bắt cua ven đầm nước trong rừng mưa năm 2012. Họ theo dõi hành vi của những con tinh tinh trong hai năm, ghi hình tinh tinh cái nhấc tảng đá lên và dùng tay xới bùn đất để tìm loài giáp xác ngon miệng. Họ cũng so sánh giá trị dinh dưỡng của cua với những loại thức ăn có sẵn khác.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy hành vi bắt cua diễn ra quanh năm, bất kể đó là mùa nào hay nguồn thức ăn khác có dồi dào hay không. Tinh tinh cũng có xu hướng ăn ít kiến hơn, món ưa thích của chúng, chứng tỏ cua có vai trò tương tự hoặc tốt hơn trong chế độ ăn của tinh tinh.
"Năng lượng và natri trong những con cua lớn tương đương với kiến, khiến chúng tôi đặt giả thuyết cua là nguồn protein và muối quan trọng quanh năm đối với tinh tinh cái, đặc biệt khi mang thai hoặc nuôi con, và đối với những con tinh tinh chưa trưởng thành", Koops giải thích.
An Khang (Theo Independent)