Trong lúc tiến hành chụp ảnh khảo sát quần thể hươu cao cổ trong công viên quốc gia Murchison, một nhóm nhà nghiên cứu phát hiện điều khác thường. Một trong những con hươu cao cổ hoang dã trông hơi khác các cá thể còn lại, với chiếc chân ngắn hơn dù cơ thể ở cỡ sắp trưởng thành. Sau đó, khi làm việc ở Namibia, các nhà nghiên cứu trông thấy con hươu cao cổ hoang dã thứ hai có những bất thường tương tự về hình dáng.
Hươu cao cổ non thành thục hoàn toàn trong khoảng 6 - 8 tuổi. Con hươu cao cổ thứ hai chào đời năm 2014, có nghĩa đáng lẽ chân của nó phải dài như con trưởng thành. Nhóm nghiên cứu cho rằng cả hai con hươu cao cổ bị ảnh hưởng bởi hội chứng giống loạn sản xương (thuật ngữ chung chỉ những chứng bệnh ảnh hưởng tới chiều dài chi, bao gồm chứng lùn). Nghiên cứu công bố hôm 30/12/2020 trên tạp chí BMC Research Notes của họ là báo cáo đầu tiên mô tả hươu cao cổ mắc hội chứng trên trong tự nhiên.
Với chiều cao trung bình 4,6 - 6,1 m, việc đo kích thước của hươu cao cổ không phải nhiệm vụ dễ dàng với con người. Điều quan trọng không kém khi tiến hành nghiên cứu động vật hoang dã là việc đo đạc không mang tính xâm lấn, gây gián đoạn và để lại ảnh hưởng tiêu cực tới hành vi hoặc cuộc sống của chúng.
Để khắc phục khó khăn, giới nghiên cứu phát triển một phương pháp gọi là phép quang trắc. Kỹ thuật này sử dụng thiết bị quang trắc laser để đo khoảng cách giữa các đặc điểm được quan tâm. Thông qua đo khoảng cách giữa các điểm pixel trên bức ảnh và so sánh với kích thước thực của tiêu điểm, các chuyên gia có thể thu được kết quả đo chính xác từ ảnh chụp động vật lớn, bao gồm hươu cao cổ.
Nhờ so sánh dữ liệu đo lường hình thái, nhóm nghiên cứu có thể xác định hai con hươu cao cổ thấp bất thường thực sự khác biệt so với chiều cao trung bình của mỗi quần thể. Hươu cao cổ ở Uganda có đoạn dưới cùng của chân dài như đồng loại (21,2 cm), trong khi phần này ở hươu cao cổ tại Namibia ngắn hơn nhiều (15,8 cm). Cả hai con vật đều có chiều dài xương chi trước dưới mức trung bình.
Bù lại chiều cao thấp, hươu cao cổ ở Uganda có chiếc cổ hơi dài hơn hươu cao cổ sắp trưởng thành (1,5 m so với 1,4 m). Về mặt này, hươu cao cổ Namibia một lần nữa thấp hơn mức trung bình. Nhóm nghiên cứu cho biết đây là lần đầu tiên hội chứng tương tự loạn sản xương ở hươu cao cổ hoang dã. Tần suất hội chứng này xuất hiện trong tự nhiên rất khó suy ra từ ảnh chụp khảo sát.
An Khang (Theo IFL Science)