Đại tá Lê Văn Thành, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện 108, sáng 23/11 cho biết người nhận gan là nam giới, 52 tuổi ở Hải Phòng, tiền sử xơ gan nặng, ung thư gan. Bệnh nhân được chỉ định ghép gan để kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống.
"Nếu không được ghép gan, người bệnh nguy cơ tử vong cao, thời gian sống còn ngắn", bác sĩ Thành nói.
Giữa tháng 11, bệnh nhân tìm được người hiến gan phù hợp, là nam, khỏe mạnh. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định nội soi lấy mảnh gan phải từ người hiến sống để tiến hành ca ghép gan cho bệnh nhân. Đây là ca đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam.
Hai ca mổ lấy gan hiến và ghép gan diễn ra trong 5 giờ, hai bệnh nhân cả cho và nhận gan sức khỏe đều ổn định. Người hiến ra viện sau 6 ngày phẫu thuật với chức năng gan bình thường, có thể lao động trở lại sau khoảng 4-6 tuần nghỉ ngơi. Người được ghép gan 10 ngày sau có thể ăn uống tốt, tự đi lại phục vụ sinh hoạt cá nhân.
Bác sĩ Thành đánh giá nội soi mổ lấy gan là một trong những kỹ thuật mổ phức tạp, đòi hỏi trình độ kinh nghiệm cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ. Phương pháp này đem lại nhiều lợi ích cho người hiến gan như can thiệp ít xâm lấn giúp giảm đau sau mổ tốt hơn mổ mở, thời gian phục hồi nhanh, tính thẩm mỹ cao trong khi kết quả tương đương với mổ mở.
Hiện cả nước có 9 trung tâm có thể thực hiện thành công kỹ thuật ghép gan, hơn 300 bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp này. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là trung tâm có số lượng ghép gan từ người hiến sống nhiều nhất Việt Nam với 91 trường hợp (trong tổng số 94 ca ghép gan đã thực hiện tại bệnh viện này).
"Tuy chúng ta triển khai kỹ thuật ghép gan muộn hơn so với nhiều nước, nhưng đến nay các bác sĩ Việt Nam hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật này", bác sĩ Thành nói. Ông đánh giá thành công trong lần đầu phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống tại Bệnh viện 108 đã ghi một bước tiến mới trong lĩnh vực ghép gan, góp phần nâng cao trình độ chuyên ngành ghép tạng Việt Nam và mở ra triển vọng cứu sống người bệnh hiểm nghèo.
Tại Việt Nam, thống kê cho thấy số người mắc các bệnh về gan rất lớn, trong đó mỗi năm có 2.000-2.500 bệnh nhân gan giai đoạn cuối có nhu cầu ghép gan. Hiện, Bệnh viện 108 thực hiện ghép gan thường quy với 40-50 ca mỗi năm, dự kiến tăng lên 100-150 ca một năm với nhiều kỹ thuật ghép tiên tiến.
Một số ít Trung tâm Gan mật và Ghép gan tại các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc mới có thể thực hiện được phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống.