Bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng khoa Ngoại tai mũi họng, Bệnh viện K, cho biết bệnh nhân có u lớn vùng thanh quản hạ họng, kích thước u 4x6 cm, lan qua miệng thực quản, giải phẫu bệnh ung thư tế bào vẩy (SCC), giai đoạn 4.
"Bệnh nhân phát hiện khi ở giai đoạn tiến triển, do đó cần có hướng điều trị tốt nhất cho ông", bác sĩ Hùng nói.
Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K, cho biết đây là một ca phẫu thuật rất phức tạp. Đầu tiên, trong quá trình điều trị ung thư luôn phải đảm bảo tính triệt căn, lấy trọn tổn thương ung thư. Phần tổn thương mất đi ở hạ họng, thanh quản của bệnh nhân cần được thay thế bằng cơ quan khác. Bác sĩ đã lấy đoạn ruột non từ bụng đưa lên vùng cổ để tái tạo phần mất đi này.
Khó khăn tiếp theo là phải nuôi sống đoạn ruột non thay thế, sao cho đoạn ruột non đó tuần hoàn tưới máu phải tốt. Ruột non sống thì khi nối miệng nối mới đảm bảo đủ liền, lúc đó mới giúp bệnh nhân có thể ăn uống được.
"Ba ê kip phẫu thuật với hành chục bác sĩ đã loại bỏ tổn thương, nuôi sống đoạn ruột non, ghép nối lên hạ họng, thanh quản để người bệnh có thể ăn uống trở lại", bác sĩ Bình nói.
Cuối tháng 11, ca mổ được thực hiện sau sự chuẩn bị kỹ của kíp một là các bác sĩ khoa Ngoại Tai mũi họng, kíp hai là các bác sĩ phẫu thuật tiêu hóa, kíp ba là các bác sĩ tạo hình của hai khoa phối hợp. Ca mổ kéo dài 10 tiếng, gồm hai bước quan trọng nhất là cắt thanh quản hạ họng toàn phần, nạo vét hạch hai. Sau đó, dùng đoạn hỗng tràng nối họng và thực quản để tái tạo thực quản cho bệnh nhân.
Kỹ thuật này đảm bảo tính chuyên sâu về mặt điều trị ung thư và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
"Đây là kỹ thuật khó và tiên tiến nhất trong điều trị ung thư vùng đầu cổ", bác sĩ Bình đánh giá.
Bác sĩ Hùng cho biết, trước đây việc tái tạo được thực hiện bằng các biện pháp khác như lấy vạt cơ ngực lớn (MPMF) hay ống dạ dày (gastric Pull up). Tuy nhiên, vạt hỗng tràng có nhiều ưu điểm hơn như tỷ lệ liền của vạt cao, sinh lý hơn, hậu phẫu rất nhẹ nhàng so với ống dạ dày.
Hiện tại, sau hơn 10 ngày phẫu thuật, ông Kha tỉnh táo, đi lại bình thường, miệng nối liền tốt và tiếp tục được theo dõi, điều trị.
Ung thư hạ họng là ung thư xuất phát từ vùng hạ họng. Khi ung thư lan rộng vào thanh quản được gọi là ung thư hạ họng - thanh quản. Đây là loại ung thư đứng thứ hai, sau ung thư vòm, trong các bệnh lý ung thư vùng tai mũi họng. Tuổi mắc ung thư này là từ 45 đến 65, thường gặp ở những người có tiền sử hút thuốc lá và nghiện rượu.
Bác sĩ Bình cho biết đây là lần đầu tiên ca phẫu thuật như vậy được thực hiện tại Bệnh viện K. Việc ghép nối ruột tái tạo đường ăn này sẽ giúp bệnh nhân ăn uống được bình thường. Nếu không thực hiện được kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ không ăn uống được, không đảm bảo đường thở, để lại phần khuyết hổng ở toàn bộ vùng cổ.
"Ca phẫu thuật thành công là bước ngoặt lớn trong chuyên ngành ngoại khoa tại Bệnh viện K", bác sĩ Bình nói.
Tên bệnh nhân đã được thay đổi.