Sử dụng máy ghi điện tim có bốn giác mút gắn vào lưng của một con cá voi xanh dài 22 m ở vịnh Monterey, ngoài khơi bờ biển California, các nhà khoa học lần đầu tiên đo được nhịp tim của loài động vật lớn nhất hành tinh, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sinh lý học của chúng.
Dữ liệu được ghi lại đã gây sốc cho nhóm nghiên cứu khi có thời điểm nhịp tim của cá voi xanh giảm xuống chỉ còn hai nhịp mỗi phút, thấp hơn 30 - 50% so với dự đoán trước đây. Nhịp tim tối đa của con vật đạt 37 nhịp mỗi phút vào thời điểm nó ngoi lên mặt nước để thở. Càng lặn sâu để kiếm ăn nhịp tim của cá voi càng giảm, theo công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science.
Cá voi xanh là động vật lớn nhất "mọi thời đại" khi có thể phát triển tới chiều dài hơn 30 m và nặng 180 tấn. Nhìn chung, động vật càng lớn thì có nhịp tim càng thấp, giúp giảm thiểu lượng công việc mà tim phải thực hiện để phân phối máu xung quanh cơ thể.
Để so sánh, nhịp tim ở người dao động từ 60 - 100 nhịp mỗi phút, trong khi ở chuột chù, loài động vật có vú nhỏ nhất thế giới theo khối lượng, nhịp tim của chúng lên tới hàng nghìn nhịp mỗi phút.
Bên cạnh nhịp tim, nhóm nghiên cứu cũng theo dõi thời gian lặn của cá voi. Dữ liệu cho thấy con vật không dành quá bốn phút trên mặt nước để lấy oxy. Lần lặn lâu nhất của nó kéo dài 16 phút rưỡi.
Những thông tin về hành vi và sinh lý học của cá voi xanh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này. Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Đại học Stanford, Phòng nghiên cứu Cascadia, Viện Hải dương học Scripps và Đại học California Santa Cruz của Mỹ.
Đoàn Dương (Theo Smithsonian)