“Lần đầu tiên tôi đỡ đẻ cho một sản phụ sinh con lần ba, cảm giác thật khó tả”, bác sĩ Tuấn Anh sinh năm 1991 chia sẻ. Khi ấy sản phụ được tiên lượng đẻ dễ dàng thuận lợi, nên công việc của bác sĩ Tuấn Anh là theo dõi ca sinh. Lúc bắt đầu chuyển dạ, nam bác sĩ trẻ ngồi theo dõi sát, trò chuyện với sản phụ giúp tâm lý chị thoải mái. Anh cũng hỏi han tỉ mỉ về hai lần sinh trước. “Đó là lần đầu tiên trực tiếp đỡ một ca sinh nên tôi hơi ngại”, nam bác sĩ thú thật. Công việc này anh đã trực tiếp thực hành khi còn là sinh viên, tuy nhiên lúc ngồi cạnh sản phụ, việc hỏi han động viên khiến anh vô cùng lúng túng.
Những cơn đau của sản phụ bắt đầu dồn dập hơn. “Tôi thấy băn khoăn và lo lắng, cố nhớ lại lý thuyết mình học để định hình lại nên làm gì tiếp theo, quan sát xem có bất thường gì không”, bác sĩ nhớ lại.
Sản phụ khi ấy dù đau đẻ vẫn phát hiện được vẻ lúng túng của bác sĩ. Anh kể lại: "Lúc đó sản phụ còn động viên ngược lại cho tôi rằng 'đau thế này là bình thường em à, có khi chị còn có kinh nghiệm hơn cả chú đấy nhỉ', làm cả phòng phì cười". Bác sĩ phải lấy một chiếc khăn để che đi khu vực nhạy cảm đó. "Nhiều bệnh nhân khác nhìn thấy che miệng cười tủm tỉm khiến tôi rất ngại, trán vã mồ hôi", anh cho biết. Rất may đây là lần sinh thứ ba nên sản phụ đẻ rất dễ, em bé chui ra thuận lợi theo từng cơn rặn nên công việc của bác sĩ Tuấn Anh gần như chỉ là đưa tay đỡ bé và cắt dây rốn.
“Tim đập thình thịch nhưng tay không được phép run, không những vậy miệng vẫn luôn động viên sản phụ”, bác sĩ chia sẻ. "Chỉ đến khi ca sinh thành công, bé chào đời khỏe mạnh thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm, cảm giác ngại ngùng, xấu hổ lúc trước cũng không còn, thay vào đó là tâm trạng hạnh phúc lạ thường như chính mình vừa đẻ xong vậy”. Đến nay đã vài năm kể từ ca sinh đáng nhớ ấy, bác sĩ Tuấn Anh vẫn liên lạc với gia đình sản phụ và anh được gọi là cha đỡ đầu của đứa trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh hiện là bác sĩ Sản phụ khoa tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Anh cho biết ban đầu sở thích là chuyên khoa Ngoại. Tuy nhiên trong quá trình học và tiếp xúc với ngành sản khoa, bác sĩ chợt nhận bản thân có nhiều điều phù hợp và muốn gắn bó với công việc đỡ đẻ.
“Bác sĩ nam làm khoa sản không những cần sự mạnh mẽ mà còn phải có tâm lý thấu hiểu, đồng cảm với người phụ nữ, vậy mới có thể giúp người phụ nữ vốn nhạy cảm có thể tin tưởng và tâm sự hết những nỗi lo trong lòng của họ được”, bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ. Hơn thế, là bác sĩ nam lại khám sản khoa nên cũng có những vấn đề nhạy cảm, tế nhị. Nếu bác sĩ không có tác phong chuyên nghiệp thì dễ khiến người bệnh lo lắng, không yên tâm khám chữa bệnh.
Làm việc tại khoa sản nhiều năm, chứng kiến nhiều khoảnh khắc các thiên thần nhỏ chào đời, với anh là niềm hạnh phúc nhất mà chỉ có nghề “đỡ đẻ” mới cảm nhận được. “Nhiều người tưởng công việc này chỉ là hướng dẫn người mẹ rặn rồi đỡ em bé, cắt dây rốn... Thực tế quá trình “vượt cạn” luôn tiềm ẩn những rủi ro, luôn cần bác sĩ phải thường xuyên theo dõi, động viên”, anh cho biết.
“Ca đẻ khó nhất mà tôi từng gặp là một sản phụ còn rất trẻ, mới 18 tuổi, sinh con lần đầu”, bác sĩ Tuấn Anh bồi hồi kể lại. Khi ấy sản phụ nhập viện cấp cứu vì đau bụng dữ dội kèm ra máu. Nhân viên y tế phải dùng cáng đưa vào phòng cấp cứu. “Tôi chỉ định khám ngay trên cáng”, bác sĩ cho biết. “Thấy sản phụ chưa có dấu hiệu chuyển dạ lại có chút máu tươi ở âm đạo, tim thai bắt đầu chậm, tôi chỉ định mổ gấp vì nghi ngờ nhau bong non”.
Các bác sĩ đều đồng tình và huy động toàn bộ lực lượng nhân viên có mặt tại chỗ chỉ định chuyển thai phụ mổ khẩn cấp. Bác sĩ Tuấn Anh chạy lên phòng mổ đầu tiên, phối hợp cùng bác sĩ gây mê chuẩn bị phòng mổ. “Chưa bao giờ tôi hồi hộp đến vậy”, anh chia sẻ. “Cảm giác như đang giành giật lấy sự sống, không dám chậm một phút vì tôi biết đôi khi chỉ một phút đấy thôi cũng quyết định lấy tính mạng của hai con người”.
Bác sĩ Tuấn Anh được chỉ định phẫu thuật chính. "Mọi thứ diễn ra phải đảm bảo tốc độ nhanh nhất nhưng vô cùng chuẩn xác", anh cho biết. Chỉ một phút sau, em bé được lấy ra khỏi bụng mẹ. Bé khóc được nhưng hơi yếu. Bác sĩ lập tức tiến hành hồi sức sơ sinh ngay tại chỗ, em bé khóc ré lên, mọi người đều thở phào. Ca mổ diễn ra tốt đẹp, cả mẹ và con đều an toàn.
“Khoảnh khắc lắng nghe tiếng khóc của bé cất lên, bao vất vả, căng thẳng trong tôi mới tan biến”, bác sĩ chia sẻ.
Làm việc tại khoa sản nhiều năm nhưng với bác sĩ Tuấn Anh nói riêng và những nam bác sĩ sản khoa nói chung, khó khăn luôn phải đối mặt mỗi ngày. "Khó khăn đôi khi chỉ xuất phát từ việc làm sao để trấn an tâm lý những bạn nữ rất trẻ đến khám phụ khoa, đến những sản phụ lần đầu đi đẻ", anh tâm sự. Bên cạnh đó còn là cách ứng xử với người nhà bệnh nhân, đặc biệt là những người chồng đưa vợ đi thăm khám, tránh hiểu nhầm không đáng có. "Ngoài ra mình cũng thường xuyên rèn bản lĩnh, luyện tập tác phong đứng đắn, già dặn để người bệnh tin tưởng và yên tâm", Tuấn Anh cho biết.
Bác sĩ Tuấn Anh cho rằng nếu khắc phục được những khó khăn, gạt đi ngại ngùng thì nam bác sĩ sản khoa có khá nhiều lợi thế. Bác sĩ nam có sức khỏe dẻo dai và bền bỉ để làm việc tốt hơn trong những ca mổ, cấp cứu, trực đêm và khả năng chịu được áp lực công việc tốt.
Thanh Nhàn