Năm 1999, Derek Baron lên đường khám phá Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi tốt nghiệp đại học. Sau đó, chàng trai Mỹ quyết định tiếp tục phượt khắp thế giới suốt 18 năm chứ không về Mỹ để lập nghiệp như dự định trước đó. Một trong những quốc gia nguy hiểm nhất anh từng đặt chân đến là Yemen, nơi Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo công dân không đi du lịch vì các hoạt động khủng bố và bất ổn dân sự.
"Nếu có từ nào tôi phải nghe nhiều nhất trong suốt chuyến đi Yemen thì đó chính là 'qat' (tiếng Việt là lá khát). Cứ khoảng 14h hàng ngày, dường như người dân đất nước này dừng mọi việc lại để nhai lá khát", phượt thủ Mỹ mở đầu bài viết trên blog Wandering Earl.
Khát là loài thực vật được trồng ở khắp nơi tại Yemen, từ thung lũng tới triền núi cao. Người Yemen thường nhai lá khát tươi để cảm thấy hưng phấn nhẹ nhàng. Trạng thái này là tác động của một chất gần giống với amphetamine có trong cây khát, và tạo cảm giác tỉnh táo như thể bạn uống hàng chục ly cà phê mạnh. Do thành phần độc hại, lá khát bị cấm tại nhiều quốc gia trên thế giới, và chỉ được sử dụng rộng rãi tại Yemen, Somalia, Ethiopia, Djibouti...
Người Yemen nhai lá khát mọi lúc mọi nơi dù đang đi bộ, ngồi chơi, tán gẫu, lái xe hay làm việc. Theo truyền thống, đàn ông nước này thường đeo dao jambiya hàng ngày trên đai lưng to bản. Hễ đến giờ nhai lá khát, một túi lá to sẽ được treo ngay lên cán dao để họ tiện tay lấy.
Bản thân Derek cũng đã thử nhai lá khát. Không ngày nào ở Yemen anh không được người dân tặng một túi lá để nhai. Thật khiếm nhã nếu ai đó từ chối nhận một túi quà như vậy ở Yemen.
Sau bữa trưa no nê, Derek đi tìm mufrage - một phòng nghỉ được thiết kế đặc biệt để người Yemen nhai lá khát. Bạn có thể tìm thấy mufrage trong mọi nhà hàng, khách sạn hay nhà riêng tại Yemen, đôi khi phòng nằm ngoài trời.
Chàng phượt thủ Mỹ bắt đầu lôi lá và cành khát từ túi nylon ra nhai cho tới lúc nước rỉ ra. Anh thêm nhiều lá đến khi bã dồn thành một cục như thể miệng ngậm cả một quả quýt.
Thực hiện theo đúng thói quen của người Yemen, Derek không thể nhổ bã đi và phải nhai liên tục từ 14h đến 18h. Người dân Yemen thông thường sẽ tiếp tục nhai thêm nhiều giờ cho đến tối mịt mới nhả bã. Sau đó, họ uống một tách trà đen, ngồi nghỉ trong mufrage và tán gẫu đến khi ăn tối hoặc đi ngủ.
Người nhai lá khát thường cảm thấy hưng phấn, vài người sẽ quá khích và nói nhanh như máy. Tuy nhiên, Derek cũng gặp nhiều người Yemen thường chỉ ngồi yên lặng, nhìn chằm chằm vào tường và lo chuyện riêng của mình.
Phía sau những xúc cảm phấn khích ấy là huyết áp và nhịp tim tăng vọt, bạn sẽ mất vị giác và có thể bị táo bón. Về lâu dài, lá khát có thể gây ung thư vòm họng, trầm cảm và tâm thần phân liệt.
Derek cho rằng bản thân phải tốn khá nhiều công sức để thấy vui vẻ một chút. Anh đã có khoảng thời gian thư giãn nhờ lá khát, nhưng quá trình nhai ngốn tới bốn giờ. Một cơn "phê" tốn rất nhiều thời gian và phần lớn người dân sẽ không thể làm gì khác từ chiều đến tối. Còn với Derek, toàn bộ quá trình nhai lá khiến miệng lưỡi đau rát, hơn nữa anh đã mất ngủ cả đêm và chắc chắn đường ruột cũng gặp rắc rối sau một tuần thử nhai hàng ngày.
Dù không thực sự dễ chịu, Derek vẫn sẽ nhai lá khát khi ở Yemen, bởi đây là thói quen phổ biến của người dân quốc gia này. Nếu từ chối nhai lá khát, anh đã không thể trò chuyện và tiếp xúc gần gũi với người Yemen đến vậy.
"Thực tình, lá khát giúp tôi xóa bỏ khoảng cách giữa khách du lịch và người dân địa phương, để tiến thêm vài bước tới gần một nền văn hóa tôi vẫn luôn muốn tìm hiểu", Derek bày tỏ.
Tuy nhiên, lá khát không đơn giản chỉ là thứ ăn chơi. Mỗi người đàn ông Derek từng gặp tại đất nước này đều thú nhận mình nghiện lá khát và họ chỉ ngừng nhai khi hết tiền mua. Thứ "lá thiên đường" này là loại chất gây nghiện phổ biến nhất tại Yemen khi 90% đàn ông và hơn 30% phụ nữ nước này có thói quen nhai lá khát, theo The Economist.
Thực tế, trước đây chỉ người dân phía bắc Yemen mới nhai lá khát. Từ khi hai miền quốc gia này thống nhất vào năm 1990, thói quen du nhập vào các tỉnh phía nam. Ngày nay thị trường lá khát nở rộ khắp Yemen với diện tích canh tác tăng tới 12% mỗi năm và lợi nhuận chiếm 30% nền kinh tế, theo World Bank ước tính vào năm 2010. Trong khi đó, quốc gia này thiếu thốn trầm trọng nhu yếu phẩm do nạn đói lớn nhất trong lịch sử kéo dài từ năm 2016 tới nay. Người Yemen không còn nơi trồng lúa mì, bởi những mảnh đất màu mỡ nhất đã dành cho cây khát.