Đốt điện điều trị can thiệp rối loạn nhịp tim nhanh rất hiếm được chỉ định ở trẻ nhỏ vì nguy cơ tai biến và tử vong cao. Song các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn quyết định áp dụng phương pháp này với bé Dương bởi thuốc không còn tác dụng điều trị cho bé nữa. Rất may ca mổ thành công, bệnh nhi vừa xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Đây là lần đầu tại Việt Nam, kỹ thuật này được thực hiện trên trẻ nhỏ như vậy, cũng là một trong rất hiếm trường hợp trên thế giới được báo cáo.
Bé Dương sinh đủ tháng bằng phương pháp mổ do suy thai, cân nặng 2,6 kg. Chào đời trẻ đã bị suy hô hấp và được chuyển từ Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng sang Bệnh viện Nhi Hải Phòng. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh tim bẩm sinh, phải thở ôxy liên tục.
Sau 5 ngày điều trị tình trạng bệnh không cải thiện, bé được chuyển đến khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương. Một lần nữa bé được chẩn đoán bị bệnh tim kết hợp, thông sàn nhĩ thất toàn bộ (một dạng tim bẩm sinh phức tạp) kèm hội chứng Wolff - Parkinson - White. Wolff - Parkinson - White là một hội chứng rối loạn tim nhanh do tồn tại đường dẫn truyền xung điện bất thường bẩm sinh trong tim.
Bé đã nhiều lần lên cơn tim nhanh đến 250 lần một phút rất nguy kịch, suy thở và suy giảm huyết động mạch. Các y bác sĩ phải cấp cứu cắt cơn tim nhanh nhiều lần.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Bệnh viện Nhi Trung ương, bé Dương là một ca bệnh rất hiếm gặp, có thể đột tử bất cứ lúc nào do suy tim nếu không được kiểm soát hoặc xuất hiện loạn nhịp nguy hiểm.
Đến nay với y khoa Việt Nam, điều trị rối loạn tim nhanh ở trẻ nhỏ trọng lượng dưới 15 kg là dùng thuốc chống loạn nhịp. Trong nhiều trường hợp trẻ không hoặc rất kém đáp ứng với thuốc thì giải pháp cuối cùng là điều trị can thiệp bằng đốt điện. Đây là lựa chọn số một đối với tình trạng tim nhanh ở người lớn và trẻ lớn, tuy nhiên với trẻ nhỏ kỹ thuật này có chỉ định hạn chế do tiềm ẩn nguy cơ tai biến cao và nguy cơ tử vong. Trong trường hợp bé Dương lại càng khó hơn khi trẻ còn bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp, cấu trúc quả tim thay đổi dị thường.
Cân nhắc giữa nguy cơ tai biến của can thiệp với nguy cơ tử vong khi dùng thuốc chống loạn nhịp, các bác sĩ và gia đình đã quyết định chọn phương pháp can thiệp. Ca mổ cho bệnh nhi diễn ra ngày 23/9 tại Trung tâm Can thiệp tim mạch và Điện sinh lý với ê kíp phẫu thuật do bác sĩ Nguyễn Thanh Hải phụ trách. Trẻ được gây mê toàn thân, các chức năng sống nhất là huyết áp động mạch xâm nhập được giám sát trong từng giây phút với sự hỗ trợ của các thuốc vận mạch.
Bác sĩ Trần Kinh Trang phụ trách khoa Tim mạch chia sẻ: "Trong ca mổ, bé xuất hiện những cơn tim nhanh phải cấp cứu cắt cơn nhiều lần. Mỗi lần cơn tim nhanh xuất hiện, bệnh nhi lại tím tái, huyết áp tối đa tụt thấp chỉ khoảng 30 mmHg. Sau 90 phút ca can thiệp thành công, nhịp tim của trẻ trở về bình thường, cả ê kíp lúc này mới thở phào nhẹ nhõm".
Bé Dương bú tốt sau ca mổ
Hiện trẻ bú tốt, sức khỏe tạm ổn, được cho xuất viện. Dự kiến sau 1-2 tháng nữa các bác sĩ sẽ lên kế hoạch phẫu thuật tiếp cho trẻ.
Đốt điện điều trị loạn nhịp tim là một phương pháp điều chỉnh nhịp tim nhanh bất thường. Trong đó, vùng mô tim bệnh lý (nơi khởi phát các xung điện tim nhanh bất thường hoặc là nơi dẫn truyền các xung điện tim bất thường) bị triệt bỏ bằng năng lượng dòng điện có tần số sóng radio.
Phương Trang