Những cánh cửa Yuendumu là một trong những bộ sưu tập văn hóa và nghệ thuật quan trọng nhất tại Australia. Triển lãm về bộ sưu tập này hiện diễn ra từ 9/12/2020 đến 20/01/2021 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, giới thiệu 15 trong tổng số 30 cánh cửa được người Warlpiri vẽ tại trường học cộng đồng Yuendumu năm 1984. Thông qua những bức tranh, họ kể câu chuyện về cách gìn giữ và thích nghi nền văn hóa với các thay đổi lịch sử tại quê hương. Người Warlpiri là một trong những nhóm người lớn nhất trong số những cộng đồng thổ dân sinh sống tại miền Trung Australia trong hàng nghìn năm. Bộ sưu tập những cánh cửa này đã khởi động phong trào nghệ thuật đương đại Warlpiri. Đây cũng là khu vực đặc biệt của Australia, một trong những nơi nghệ thuật đương đại của thổ dân phát triển nhất bây giờ. Họ thành lập Cộng đồng họa sĩ Warlukurlangu, thành viên gồm nhiều nhóm thổ dân và tiếp tục sáng tác những tác phẩm mới. Ảnh chụp một họa sĩ Warlpiri cùng bức tranh trước ngôi nhà của bà. Trong lịch sử Warlpiri, những câu chuyện Mộng thời (thời khởi thủy) được vẽ trên cát, sau đó bị gió sa mạc xóa nhòa. Dù những câu chuyện này được truyền lại qua các thế hệ, họ không có phương pháp bền vững nào để bảo tồn nền hội họa cho thế hệ tương lai. Quyết định lưu giữ các giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ và giới thiệu với thế giới bên ngoài vùng sa mạc, năm 1984, một nhóm người Warlpiri lớn tuổi được mời vẽ những câu chuyện lên các cánh cửa lớp học tại trường học cộng đồng Yuendumu. Khi vẽ những câu chuyện này, các họa sĩ đã khắc họa những bài học về ngôn ngữ, đạo đức và sinh thái trong cuộc sống cộng đồng Warlpiri lên cánh cửa trường học qua các họa tiết. Trẻ em tại Yuendumu đi qua những cánh cửa ngày hàng ngày và dần thấm nhuần những câu chuyện của tổ tiên. Trong hình là cánh cửa được chọn làm hiện vật thứ nhất trong bộ sưu tập, mặc dù được vẽ cuối cùng. Với cái tên Những cậu bé, nó có ý nghĩa con người đều là những người trẻ tuổi đứng trước ngưỡng cửa tri thức vĩ đại. Bức tranh có tên Bà lão. Chuyện kể về một bà lão khổng lồ, sống tại Kanaji. Có hai người đàn ông lớn tuổi đang đi tìm những con chồn túi vào ban đêm. Bà lão ngồi núp mình để tránh bị nhìn thấy khi hai người đàn ông tìm kiếm tại nơi bà ở. Bà mang theo những túi nước và những chiếc đĩa làm từ vỏ cây, que đào đất và dùi gõ. Bà bước ra từ một hố lớn dưới đất, cũng là nhà của bà, và khởi hành tới phía tây, cứ thế bà bước đi. Bức tranh thể hiện thần thoại về Củ từ và Cà chua dại, mở ra những câu chuyện về các loại thực phẩm bản địa của Australia. Nửa dưới của cửa vẽ cây leo, quả và hoa cà chua dại. Nửa trên cửa vẽ củ từ lớn có rễ dài và to, cùng những bông hoa màu hồng xinh xắn, được sử dụng để trang trí tóc cho phụ nữ Warlpiri trong các lễ hội. Củ từ là loại củ nhiều chất xơ mọc dưới đất, được coi là lương thực chính của người Warlpiri, có giá trị dinh dưỡng cao, mềm và ngon như khoai tây được nấu chín. Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam, chia sẻ: "Bộ sưu tập này không chỉ là một phần vô giá của nền văn hóa Thổ dân độc đáo, một trong những nền văn hóa lâu đời nhất trên thế giới mà còn thể hiện cách truyền lại di sản văn hóa qua các thế hệ". Trên ảnh là bức tranh kể thần thoại về Vẹt yến phụng. Bức tranh kể thần thoại về Kiến mật và Vịt là cánh cửa đầu tiên được vẽ trong bộ sưu tập những cánh cửa, được sử dụng trước văn phòng hiệu trưởng trường học cộng đồng Yuendumu. Những tác phẩm này cũng đánh dấu sự bắt đầu của hội họa Warlpiri đương đại, sử dụng phương pháp hội họa châu Âu (màu acrylic) cùng những màu sắc tươi sáng để giới thiệu vẻ đẹp nghệ thuật văn hóa Thổ dân đến với công chúng. Bảo tàng South Australian Museum tại thành phố Adelaide, Australia là nơi những cánh cửa thật đang được bảo tồn và trưng bày, sau 12 năm trải qua nắng gió sa mạc tại trường học Yuendumu. Trong thời gian triển lãm, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng tổ chức hoạt động "Khám phá hội họa Thổ dân Australia" để du khách tô vẽ tranh và tìm hiểu ý nghĩa những kí hiệu thổ dân. Ngân DươngẢnh: Ngân Dương, Đại sứ quán Australia