PGS Vũ Văn Tích, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết việc này nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ và chia sẻ tri thức. Đây cũng sẽ là môi trường thực hành tốt nhất cho sinh viên, tạo ra sự gắn kết giữa thầy và trò, nhóm nghiên cứu trong trường đại học với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chính sách này có hiệu lực từ 1/3.
Theo ông Tích, trước đây, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học Tự nhiên, Đại học Công nghệ và Viện Vi sinh vật từng thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn. Điểm mới lần này là các cá nhân, người học có quyền mở công ty trong quá trình làm việc.
"Lần này là doanh nghiệp của những người thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, là công ty cổ phần, có sở hữu của họ, khác với trước đây là sở hữu chung", ông Tích nói.
Ba hình thức doanh nghiệp được khuyến khích gồm spin-off (khởi nguồn), startup (khởi nghiệp), holding (công ty mang tính đầu tư). Đối với doanh nghiệp do cán bộ, người học góp vốn, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tạo điều kiện về cơ chế, cơ sở hạ tầng, thuế, pháp lý... Cán bộ thành lập doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng kết quả nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội phải ký thỏa thuận giữa đơn vị và doanh nghiệp.
Ngoài loại hình doanh nghiệp này, Đại học Quốc gia còn có doanh nghiệp do đại học hoặc trường thành viên thành lập.

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội trong một cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp, hôm 9/3, tại Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: VNU
Luật Giáo dục đại học 2018 cho phép cơ sở giáo dục đại học thành lập doanh nghiệp, công ty nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tế. Tuy nhiên, mô hình này mới được triển khai ở ít trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và mới đây là chủ trương từ Đại học Quốc gia TP HCM.
Trên thế giới, một số đại học có thể có tới hàng chục, thậm chí cả trăm doanh nghiệp trực thuộc.
Bình Minh