19 năm làm việc ở Đội cứu nạn - cứu hộ, Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP HCM, thiếu tá Nguyễn Chí Thành, 39 tuổi, đã tham gia hàng trăm vụ cứu nạn trong các hoàn cảnh khắc nghiệt. Nhưng lần đưa thi thể thanh niên lên khỏi hang sâu 280 m ở Hà Giang khiến anh nhớ mãi.
Một ngày định mệnh cách đây nửa năm, hai anh em Sùng Mí Say, ở xã Vân Chài, huyện Đồng Văn khi chạy xe máy lên dốc núi thì mất thắng, bị trượt xuống hang ven đường. Người anh kẹt trên miệng hang bên cạnh xe máy thoát nạn, trong khi Sùng Mí Say rơi xuống dưới.
Liên tiếp 10 ngày sau đó, cảnh sát Hà Giang tổ chức tìm kiếm nhưng không có kết quả khi chỉ xuống được vài chục mét hang.
Nhận lệnh hỗ trợ, thiếu tá Thành cùng năm cảnh sát cứu hộ "thiện chiến" nhất của TP HCM đã vượt gần 2.000 km đến hiện trường. "Lúc đầu tôi chỉ biết đi cứu nạn dưới hang chưa từng có người xuống chứ không hình dung được sẽ khó khăn như thế nào", anh nói.
Dáng người mảnh khảnh, bị say xe, ói liên tục trên chặng đường kéo dài 10 tiếng khiến nam cảnh sát xuất thân từ vùng đất Củ Chi như kiệt sức. Do chỉ "uống nước cầm hơi", cộng với cái rét dưới 10 độ C đã làm thiếu tá Thành như không thể đứng vững trước miệng hang dài 4 m, rộng hơn một mét, hẹp dần như cái phễu, chỉ đủ một người, không thể mang theo bình dưỡng khí. Hang nằm trên đỉnh núi ở cao nguyên, bên kia là Trung Quốc.
"Dưới hang tối om, tôi thử kêu một tiếng to nhưng âm thanh như bị nuốt chửng, không vọng lại", thiếu tá cảnh sát nhớ lại. Gạt đi một thoáng suy nghĩ lo sợ, anh đã xung phong thực hiện nhiệm vụ khi chỉ huy hỏi: "Ai sẽ xuống hang?"
11h trưa, dưới cái lạnh thấu xương của gió Bấc trên vùng núi Đông Bắc Bộ, tổ công tác quyết định thả một giỏ nhựa chứa con gà xuống hang để thăm dò không khí. "Đây là cách làm dân gian, nếu con gà chết thì coi như không thể xuống dưới vì trong hang có thể chứa khí metan hoặc thiếu dưỡng khí", anh Thành chia sẻ.
Xuống được chừng 80 m, chiếc giỏ bị mắc kẹt vào mỏm đá khựng lại, khi được kéo trở lên con gà vẫn sống, tức là "trong lòng hang có oxy". Từ tín hiệu đáng mừng đó, anh lính cứu hộ xin ý kiến xuống khảo sát lòng hang nguyên thủy.
Đứng trên miệng hang cách mặt nước biển 1.100 m, nam chiến sĩ mang trước ngực bộ điều khiển ròng rọc điện móc vào dây cáp, sau lưng là dây cứu hộ nối với đồng đội ở phía trên, bên vai phải là bộ đàm để liên lạc. Thiếu tá Thành lẩm bẩm vài câu "khấn vái thần núi, thần hang" để an toàn trở lên mà không hề biết trước rằng mình phải trèo xuống độ sâu gần gấp bốn lần con gà đã trải qua.
Tuột xuống 5 m đầu tiên, anh thấy lòng hang tối đen như mực, nguồn ánh sáng duy nhất là chiếc đèn pin bằng quả trứng gà gắn trước mũ bảo hiểm. Lòng hang nhỏ rất khó xoay trở, lại có rất nhiều nhũ đá lởm chởm, găm vào người khiến anh đau điếng. "Chưa bao giờ tôi có cảm giác sợ hãi như vậy", Thành nói và đã có ý định bỏ cuộc giữa chừng khi chỉ mới trèo xuống được chừng 50 m.
Để giúp cấp dưới quên đi nỗi sợ, trên miệng hang, trưởng đoàn liên tục hỏi vu vơ, kể chuyện vui qua bộ đàm để đồng nghiệp lấy lại bình tĩnh. "Tôi nghĩ nếu bỏ cuộc thì mọi công sức của cả đoàn sẽ đổ sông đổ biển. Còn người chết sẽ mãi mãi nằm lại bên dưới", anh Thành nhớ lại.
Sau gần một tiếng rưỡi, anh đã xuống tới đáy hang rộng chừng 16 m2, ở giữa là "một xác người trương phình như cái bánh tiêu, bốc mùi kinh khủng", nằm trên một triền dốc. Quay trở lên miệng hang, anh trao đổi với chỉ huy rồi mang xuống 5 lít cồn, 5 lít rượu và ròng rọc điện nặng 15 kg xuống đáy để đưa thi thể lên.
Lần trở xuống thứ hai tưởng chừng suôn sẻ cho đến khi anh còn cách đáy chừng 2 m, trời đổ mưa to. Nước mưa ở miệng hang cuốn theo đất đá tuôn xối xả lên người, mũ bảo hộ của anh. Do thấm nước, bộ đàm và ròng rọc điện mất tín hiệu khiến anh bị treo lơ lửng. "Bất lực, tôi nghĩ mình sẽ phải nằm lại cùng thi thể xấu số", Thành nhớ lại. Trong bóng tối, ngột ngạt, anh đã nhớ về vợ cùng hai con gái 9 tuổi và 10 tuổi đang chờ anh về sau mỗi lần anh đi công tác.
Gần một tiếng sau, mưa tạnh, chàng chiến sĩ vui mừng khôn xiết khi thiết bị liên lạc được nối lại. Khi chạm chân tới đáy, anh rút vài cây nhanh ra đốt, khấn: "Em phù hộ cho anh. Anh đưa em về với gia đình chứ nằm ở đây lạnh lẽo lắm!". Thành lần lượt rưới cồn, rượu lên khắp thi thể chàng trai nặng 70 kg để bớt mùi rồi tròng vào nhiều túi nylon trước khi buộc dây để phía trên kéo lên.
Tàn nhang, thiếu tá Thành quyết định làm ngược quy tắc khi cứu nạn thi thể là để nạn nhân lên trước, lính cứu hộ theo sau. "Thi thể nặng, nếu để theo sau mà vướng vào đá bị đứt dây thì sẽ rơi trở lại. Tôi thà chấp nhận nguy hiểm theo sau để có thể điều khiển cho thi thể tránh các mỏm đá", anh nói.
Sau 6 tiếng kể từ lần xuống hang đầu tiên, Thành đã đưa được nạn nhân lên miệng hang. Trong bộ dạng lấm lem, đau đớn và hôi thối vì nước tử thi nhiễu khắp người, anh được các đồng đội ôm siết. Nhiều người nhà của nạn nhân đứng xung quanh đã oà khóc nức nở, liên tục chấp tay vái lạy cảm ơn nhóm cứu hộ.
Cách đó bốn tháng, anh cũng từng xuống hang Cốc Chia, nơi được mệnh danh là "lỗ thông hơi" của khe núi tại Cao Bằng để nhặt từng mảnh răng, xương người đàn ông dân tộc H'Mông. Thi thể nạn nhân tình cờ được một đoàn thám hiểm hang động của Bỉ phát hiện đã phân hủy nặng từ năm 2016 nhưng không thể đem lên do không đủ phương tiện.
Lần đầu tiên cứu nạn dưới hang sâu, thiếu tá Thành đã mất gần hai giờ luồn lách qua những thạch nhũ nhọn hoắt, bám đầy rêu trơn trượt. Dưới độ sâu 220 m so với miệng hang, anh bới đóng đất đá đè lên bộ xương người đã nằm ở đó ba năm để bỏ vào túi nylon. Mò mẫm từ giữa trưa đến lúc mặt trời lặn, anh đã mang lên chiếc túi chứa đầy xương người bàn giao cho gia đình nan nhân.
Thiếu tá Thành kể đã chọn công việc có phần "cực nhất" trong lực lượng PCCC sau 3 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự. Cơ duyên công việc của anh bắt nguồn từ những lần chứng kiến người chết đuối, trong đó có cả hai người thân của anh vào thời ấu thơ. Có lúc anh đã có ý định bỏ nghề khi phải nhiều lần đối mặt với tình huống sinh tử, nhưng đó chỉ là những suy nghĩ nhất thời.
Ngoài những chuyến biệt phái đến các địa phương khác, từ năm 2019 đến nay, thiếu tá Thành cùng lực lượng cảnh sát cứu nạn cứu hộ TP HCM đã tham gia hơn 300 vụ tai nạn, sự cố; cứu được 119 người, tìm thấy 42 thi thể trao trả cho gia đình. Trước đó, cuối năm 2014, anh cùng 43 chiến sĩ khác của TP HCM tham gia giải cứu 12 người trong sự cố sập hầm công trình hầm thủy điện Đạ Dâng tại Lâm Đồng. Các nạn nhân đã được cứu sau 82 giờ mắc kẹt cách miệng hầm 600 m.
Hồi tháng 3, thiếu tá Thành được Bộ trưởng Công an tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong những lần cứu nạn dưới hang sâu. Đồng thời, anh còn được tuyên dương gương điển hình của ngành Công an TP HCM giai đoạn 2015-2020.
Đình Văn