"Lặn biển là môn nguy hiểm, kén người chơi do yêu cầu cao về kỹ thuật, điều kiện kinh tế. Nhưng nếu đã thử chắc chắn bạn sẽ nghiện", chàng trai Hà Nội 31 tuổi chia sẻ.
Nghĩa nói, lặn biển không đơn thuần là việc cứ xuống nước sẽ được nhìn san hô, ngắm cá bơi. Để có thể xuống nước, ngoài sắp xếp công việc, chọn ngày nắng ấm, tránh biển động, người chơi phải chuẩn bị đồ lặn chuyên nghiệp, cùng chứng chỉ lặn biển được cấp bởi Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp thế giới (PADI) hoặc Hiệp hội lặn biển quốc tế (SSI). "Nếu thiếu giấy tờ này, không một hội nhóm hay quản lý các khu vực lặn ở nước ngoài đồng ý cho bạn tham gia", Nghĩa nói.
Biết đến lặn biển từ cuối năm 2014, nhưng Nghĩa chưa dám thử bởi học phí đắt đắt đỏ. Đến năm 2019, anh mới đăng ký khóa đào tạo lặn scuba diving (lặn với bình dưỡng khí) chuyên nghiệp ở Nha Trang. Chi phí cho khóa học 3 buổi khoảng 300 USD.
Sau một tuần luyện tập, anh mới có thể lặn cùng bạn bè ở độ sâu 15 m và nâng dần độ khó. Xác định chơi lâu dài, Nghĩa đầu tư bộ đồ lặn giá 5.000 USD và đăng ký học thêm hai chứng chỉ để có thể chinh phục độ sâu 40 m.
Biết Nghĩa thích nhưng gia đình không ủng hộ vì lo tiềm ẩn nhiều rủi ro. Anh mất khá nhiều thời gian thuyết phục, tạo lòng tin, chứng minh bản thân được trang bị đủ các kỹ năng để sinh tồn và bảo vệ tính mạng.
Khánh Ngân, 35 tuổi, ở Hà Nội biết đến scuba diving và từng lặn ở Philippines từ năm 2017 nhưng phải đến hè 2021 do phải nghỉ dịch Covid-19 mới đăng ký khóa học free diving (lặn tự do) do thầy người Nga dạy ở Hà Nội và khóa học scuba diving tại Nha Trang.
Với scuba diving, chị Ngân học hai khóa Open water (3 ngày), Advance (2 ngày) cho hai độ sâu 18 m và 30 m. Theo chị, lặn với bình dưỡng khí không khó nếu là người "dạn" nước và chú ý lắng nghe huấn luyện viên hướng dẫn. Còn để chơi free diving chuyên nghiệp đòi hỏi phải nắm chắc lý thuyết, luyện tập nhiều ở bể bơi và ngoài biển.
"Ban đầu bạn có thể bị choáng bởi xung quanh toàn là nước, nhưng khi điều chỉnh tâm trạng, áp dụng đúng kiến thức mọi thứ sẽ trở nên đơn giản. Thậm chí còn phấn khích khi tận mắt chiêm ngưỡng những rạn san hô hay chơi đùa cùng đàn cá, mà trước đây chỉ xem qua truyền hình", Ngân chia sẻ.
Ngoài khám phá các vùng biển đẹp trong nước như Nha Trang, Phú Quốc, Phú Quý, người phụ nữ 35 tuổi cũng đến biển đảo các nước để thỏa đam mê.
Trọng Nghĩa, Khánh Ngân là những đại diện cho một thú chơi đắt đỏ đang khá "hot" khoảng ba năm trở lại đây. Hiện có khoảng 20 hội nhóm quy tụ những người chơi lặn biển trên mạng xã hội hiện. Nhóm đông nhất có gần 6.000 thành viên, dưới các bài chia sẻ địa điểm đẹp, kinh nghiệm lặn cho đến hướng dẫn lấy chứng chỉ, có nhiều lượt yêu thích, bình luận.
Anh Trịnh Ngọc Sáng là người sáng lập nhóm lặn biển Freedive Việt Nam với hơn 4.000 thành viên. Sáng đã có kinh nghiệm 5 năm lặn biển, thực hiện hàng chục chuyến lặn tự do tại Việt Nam và 5 nước trong khu vực ASEAN.
Anh cho biết, chưa có thống kê cụ thể về số người chơi trên cả nước nhưng riêng Hà Nội có khoảng 100 người thường xuyên đi lặn và được cấp bằng. Người chơi trong độ tuổi 30 đến 43, đa phần là nữ giới. Ngoài lặn trong nước, nhiều người mong muốn trải nghiệm ở nước ngoài. Giá mỗi tour lặn nước ngoài dao động trung bình 10-25 triệu đồng.
Nhiều năm kinh nghiệm tổ chức các tour lặn biển ở trong và ngoài nước, anh Sáng cho biết khó khăn nhất với người mới bắt đầu là giữ vững tâm lý, bơi tốt và không sợ nước. Trong trường hợp van bình lặn hoặc thiết bị gặp trục trặc, anh khuyên người chơi phải ra ký hiệu để bạn đồng hành chia sẻ bình dưỡng khí. Còn nếu gặp vấn đề về sức khỏe hoặc bị sinh vật tấn công buộc phải gõ vào bình dưỡng khí để tạo âm thanh, sớm được hỗ trợ.
"Nhưng yêu cầu bắt buộc là phải tham gia khóa đào tạo bài bản tại các trung tâm dạy lặn của PADI hoặc SSI, đồng thời không được lặn một mình. Đội lặn có 8-12 người, tôi phải chia thành các nhóm 2-4 người đi chung, đề phòng trường hợp bất trắc", anh Sáng nhấn mạnh.
Nắm bắt nhu cầu, nhiều đơn vị trong nước bắt đầu cung cấp khóa đào tạo, đồ lặn và tour trải nghiệm. Theo tìm hiểu của VnExpress, các khóa học ba ngày tại trung tâm đào tạo ở Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc, Đà Nẵng và TP HCM có giá 6-9 triệu đồng một người. Ngày đầu, học viên được dạy lý thuyết và thực hành ở hồ bơi. Các buổi tiếp theo sẽ luyện tập ngoài biển. Khi đã thành thạo các kỹ năng và vượt qua bài kiểm tra, học viên sẽ được cấp chứng chỉ.
Anh Terry Nguyen, giám đốc một công ty chuyên phân phối và cung cấp thiết bị lặn ở Quy Nhơn, nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các môn thể thao dưới nước.
Lý giải về sự bùng nổ của bộ môn lặn biển, Terry cho rằng dịch bệnh khiến nhu cầu rèn luyện sức khỏe, chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên bản của tự nhiên và mong thoát khỏi sự ồn ào, áp lực cuộc sống của người dân gia tăng. Chưa kể, những bộ ảnh, video clip "người lặn" đắm mình giữa lòng đại dương, vây quanh bởi nhiều đàn cá, rạn san hô màu sắc cũng kích thích và thu hút người trẻ trải nghiệm, khai phá bản thân.
Mở dịch vụ từ năm 2019, thời gian đầu đơn vị chủ yếu phục vụ đồ lặn cho khách nước ngoài. Nhưng hiện, lượng khách Việt tìm mua các thiết bị lặn tăng đáng kể, trung bình mỗi năm doanh thu của đơn vị tăng đều 50%. Các sản phẩm chân vịt, ống thở và kính, có giá dao động 5-12 triệu đồng, tùy thuộc vào chất liệu cấu thành, được quan tâm nhất.
Ngoài khách lẻ, khoảng hai năm gần đây, anh Terry cũng nhận cung cấp đồ lặn nhập khẩu số lượng lớn cho các trung tâm dạy đào tạo bởi học viên đông. "Nhiều thợ dạy lặn cho biết kín lịch đến hết tháng 3. Trong thời gian tới chúng tôi dự định kết hợp với các thợ lặn người nước ngoài để cung cấp thêm dịch vụ đào tạo lặn cho người Việt", anh Terry nói.
Còn với Trọng Nghĩa, bởi quá mê lặn biển, anh dự định cuối năm nay sẽ ra nước ngoài lặn ngắm cá voi. "Chắc chắn chuyến đi sẽ có nhiều điều bất ngờ nhưng trước mắt tôi phải chuẩn bị tốt các kỹ năng và rèn luyện thể lực", anh nói.
Quỳnh Nguyễn