Phụ nữ lặn biển ở Jeju còn gọi là haenyeo hay hải nữ. Truyền thống lặn biển của phụ nữ ở đảo này có từ 300 năm trước, vào triều đại Chosun. Cách đây một thế kỷ có khoảng trên 30.000 hải nữ trên đảo. Ngày nay, cộng đồng haenyeo gắn bó ở Jeju có khoảng 3.200 phụ nữ.
Không giống như mọi ngư dân vẫn đi thuyền hay câu cá, hải nữ Jeju lặn ngụp tìm trai sò, rong biển, bào ngư trong điều kiện khắc nghiệt và không có sự trợ giúp của các thiết bị thở. Tất cả những gì họ cần là bộ đồ lặn cao su ôm sát người chống lạnh, kính bơi, phao định hướng, lưới cá, cuốc đào.
Mija Ko, 19 tuổi, đang làm tại Trung tâm trải nghiệm Beophwan Haenyeo. Mija có vóc dáng nhỏ nhắn, chia sẻ làm công việc hải nữ để phụ giúp gia đình. Hàng ngày vào 8h, Mija Ko băng qua những vách đá hẹp để ra vịnh và biển. Từ tháng 1 đến tháng 5, những hải nữ như Mija bắt tay vào công việc thu hoạch nhiều loại sinh vật biển có vỏ, bào ngư và hải sâm. Mija Ko chia sẻ ngày bội thu có thể thu thập một kg hải sản và bán với mức giá cố định là 150.000 won (khoảng 2,7 triệu đồng), trong đó 2.000 won (khoảng 36.000 đồng) được quyên góp để duy trì và phát triển cộng đồng haenyo. Hải nữ ở Jeju quan niệm biển khơi là tài sản chung nên mỗi người chỉ khai thác hải sản vừa đủ cho nhu cầu.
Một hải nữ chuyên nghiệp có thể lặn sâu tới 8m, nín thở trong một phút rưỡi. Những hải nữ cấp trung bình có thể lặn sâu tới 6m. Mija cho biết những du khách lần đầu trải nghiệm lặn biển có thể lặn được khoảng một mét.
Ngoài công việc thu hoạch hải sản, hải nữ Mija cũng tham gia các tour hướng dẫn du khách lặn trên đảo Jeju. Cô giới thiệu Trung tâm Beophwan Haenyeo là địa điểm du khách có thể đăng ký các buổi trải nghiệm hòa mình với biển cả. Du khách cũng được thưởng thức hải sản tươi sống ngay trên biển, do hải nữ trực tiếp lặn và bắt lên.
Trung tâm Beophwan Haenyeo ở Jeju mở cửa từ tháng 6 đến cuối tháng 10, để phục vụ du khách lặn biển. Du khách cần liên hệ trực tiếp để đặt trước dịch vụ hoặc đặt thông qua khách sạn. Trải nghiệm kéo dài hai giờ có giá 30.000 won (khoảng 540.000 đồng) đã bao gồm tất các thiết bị hỗ trợ lặn.
Trước khi lặn, hải nữ Mija lấy hơi và nhảy xuống nước ở góc 90 độ một cách dứt khoát. 2-3 phút sau, cô ngoi lên mặt nước, đánh dấu sự trở lại của mình bằng tiếng huýt sáo đặc trưng (gọi là sumbisori). Tiếng huýt sáo từ lâu đã trở thành linh hồn của đất và nước ở Jeju. Cô tiến lại gần những du khách đang quan sát, đưa cho họ nếm thử một loại ốc biển vừa bắt được. Những du khách nhận xét món sashimi này "có vị của biển, mọng nước".
Trong khi hải nữ lao xuống mặt nước chỉ vài giây, những du khách lần đầu lặn biển phải loay hoay 20-30 phút mới lặn được độ sâu một mét. Du khách lặn cùng hải nữ sẽ được hướng dẫn tìm và bắt ốc, sò biển. Tuy nhiên, không phải du khách nào cũng may mắn thu hoạch được hải sản.
Ngoài trải nghiệm lặn cùng hải nữ, du khách đến Jeju có thể đến chân đỉnh Seongsan Ilchulbong, xem các haenyeo "ra khơi". Tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống và công việc của các haenyeo, du khách nên ghé bảo tàng Haenyeo ở Hado-ri, một làng chài ven biển Jeju.
Năm 2016, UNESCO đã đưa truyền thống lặn biển của những haenyeo ở đảo Jeju vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bích Phương (Theo Channel NewsAsia)