Tháng 7/2019, Frank Lampard tiếp nhận "công việc trong mơ" là HLV Chelsea với tư cách cựu huyền thoại của CLB, cũng như một người "có mối quan hệ cá nhân tuyệt vời" với ông chủ Roman Abramovich. Sân Stamford Bridge là nơi ông lưu giữ những ký ức đẹp nhất đời cầu thủ giai đoạn 2001-2014. Nhưng cũng chính quãng thời gian này, Lampard đã trải qua tới mười đời HLV khác nhau.
Vì lẽ đó, việc phải nhận trát sa thải từ Chelsea có lẽ không quá bất ngờ với Lampard. Chelsea thời Abramovich là lò xay HLV, và ngay cả vị thế một huyền thoại CLB cũng không đủ để cứu vớt Lampard khỏi chung số phận với những người tiền nhiệm.
Kết cục tất yếu
Trong thông báo sa thải Lampard, Chelsea viết: "CLB biết ơn Frank về những gì ông đã đạt được trong thời gian dẫn dắt đội bóng. Tuy nhiên, những kết quả và màn trình diễn gần đây không đạt được kỳ vọng của CLB và dẫn tới vị trí ở giữa bảng điểm, mà không có đường hướng cụ thể nào cho thấy sự cải thiện bền vững". Đó là những lời nhận xét lạnh lùng, nhưng đi đúng vào trọng tâm vấn đề: Chelsea dưới trướng Lampard không cho thấy những dấu hiệu tích cực đủ để tạo niềm tin rằng rằng đội bóng vẫn đang đi đúng hướng.
Thay vì là một tập thể với định hướng rõ ràng, nhiệm vụ được xác định cụ thể cho từng cá nhân và từng tuyến, Chelsea lại mang tới cảm giác của một tập hợp những cá nhân mạnh ai nấy đá, thiếu sự kết dính cần thiết. Ở vai trò HLV trưởng, Lampard là người chịu trách nhiệm lớn nhất khi đội bóng thể hiện sự rời rạc trong lối chơi và thụ động trong những tình huống đón bóng.
Nhưng ngay cả HLV sinh năm 1978 dường như cũng không biết cần làm gì. Khi sơ đồ 4-3-3 trở nên dễ bị bắt bài, Lampard vẫn cố gắng sử dụng một cách máy móc và khiến nhiều cầu thủ "ức chế do cảm thấy không nhận được hướng dẫn chiến thuật cụ thể". Ngay cả trong những chiến thắng như khi vượt qua Fulham 1-0 trên sân khách, Chelsea cũng không thể hiện được sự vượt trội và mạch lạc trong triển khai bóng. Mạch bất bại 17 trận từ giữa tháng 9 tới đầu tháng 12/2020 đến chủ yếu từ sự toả sáng của các cá nhân, chứ không phải là kết quả của một hệ thống vận hành trơn tru.
Việc đội bóng bế tắc trong những mảng miếng tấn công và chuyển sang nhồi bóng bổng vào vòng cấm không phải những gì ông chủ Abramovich mong muốn sau kỳ mua sắm bạo tay bậc nhất lịch sử CLB. Sau một mùa hè 2019 bị cấm chuyển nhượng, Chelsea bạo chi hè 2020 khi bỏ ra 300 triệu USD để đưa về những ngôi sao như Timo Werner, Kai Havertz, Hakim Ziyech, Ben Chilwell, Edouard Mendy và Thiago Silva.
Với dàn tân binh là các cầu thủ tấn công hàng đầu từ các giải Đức và Hà Lan, Chelsea được kỳ vọng sẽ trình làng bộ mặt tấn công có nét hơn. Nhưng Werner và Havertz đều trở thành những bản hợp đồng gây thất vọng bậc nhất nửa đầu Ngoại hạng Anh với chuỗi dài trận tịt ngòi và khô hạn kiến tạo, trong khi Ziyech vẫn loay hoay chưa đạt thể trạng tốt nhất. Ở tuyến dưới, Mendy, Chilwell và Silva góp phần cải thiện hàng thủ từng để thủng lưới nhiều nhất (54 bàn) trong số các đội nửa trên bảng điểm mùa 2019-2020, nhưng vẫn không đủ để ngăn cản chuỗi phong độ tệ hại gần đây.
Tin đồn về việc Lampard bị sa thải xuất hiện ngày càng nhiều trong những tuần gần đây, khi Chelsea chỉ thắng một trong năm trận Ngoại hạng Anh gần nhất. Sau trận thua toàn diện Leicester City 0-2, Lampard công khai trách học trò trên Sky Sports: "Yêu cầu tối thiểu là chạy, bứt tốc và bao sân nhưng có quá nhiều cầu thủ đã không làm điều đó. Chúng tôi bị đánh bại bởi đội bóng hay hơn, cả trong những cuộc đấu tay đôi". Để so sánh, Jurgen Klopp - một HLV cũng chịu nhiều sức ép không kém gần đây - có thể chỉ trích đối phương được thiên vị hay nhận lỗi về bản thân, nhưng tuyệt đối không đem các cầu thủ ra làm vật tế thần.
Đây dường như là "thói xấu" mà Lampard nhiễm từ Jose Mourinho - người thầy cũ từng hai lần bị Chelsea sa thải và khẳng định "bị các học trò phản bội". Một nguồn tin của The Athletic cho hay Lampard đã "mất kiểm soát phòng thay đồ" và bầu không khí trong tập thể đã ở mức không thể cứu vãn, khi các cầu thủ bắt đầu so sánh việc Lampard công khai chỉ trích họ giống Mourinho những ngày cuối còn tại vị. Việc Lampard phải nối gót thầy cũ với những bất ổn cả trong lẫn ngoài sân cỏ, vì thế không phải là kết cục gây ngạc nhiên.
Chiếc áo quá tầm
Theo The Athletic, Lampard phải đối mặt với quá nhiều vấn đề phức tạp. Đầu tiên là mối quan hệ rạn nứt của ông với nữ Giám đốc Marina Granovskaia. Ngay từ giai đoạn đàm phán hợp đồng, mức lương vào khoảng 5,5 triệu USD mỗi năm cùng việc HLV thủ môn Shay Given mà Lampard đề xuất vào ban huấn luyện không được Granovskaia chấp thuận khiến hai bên "bằng mặt mà không bằng lòng".
Thủ môn được Granovskaia đưa về với giá kỷ lục thế giới Kepa Arrizabalaga đã có nhiều sai lầm trong mùa giải 2019-2020. Dù vậy, vị nữ giám đốc muốn Lampard "động viên và gầy dựng lại niềm tin cho Kepa". Nhưng HLV người Anh lại quyết định gạt Kepa khỏi đội hình để sử dụng thủ môn dự bị Willy Caballero trong sáu trận liền. Tại trận chung kết Cup FA 2020, Kepa cũng phải ngồi dự bị. Khi mùa chuyển nhượng hè chính thức diễn ra, Lampard công khai thể hiện mong muốn có một thủ môn mới, gây sức ép để CLB mua bằng được Mendy.
Nhưng Lampard vẫn chưa hoàn toàn hài lòng với chất lượng đội ngũ. Ông khao khát có được tiền vệ Declan Rice trong hè 2020 và được cho là vẫn nuôi mộng có được cầu thủ West Ham trong những kỳ chuyển nhượng sau. Đây là một bản hợp đồng có thể khiến giới chủ Chelsea phải nhướn mày, bởi Rice từng gia nhập học viện Chelsea khi 6 tuổi và bị thải loại năm 14 tuổi. Phải mua lại một cựu học viên từng bị xem là không đủ tốt với giá chắc chắn không hề rẻ là viễn cảnh khiến Granovskaia chùn tay.
Việc Lampard hạn chế nói chuyện với các học trò cũng đến tai Granovskaia, đủ đề bà nhận thấy có một sự xa cách giữa HLV với dàn cầu thủ. Trong chuỗi 17 trận bất bại, Lampard cố giữ công thức chiến thắng với một đội hình hạn chế sự thay đổi. Nhưng thay vì trò chuyện với những người không được sử dụng và động viên họ, Lampard lại giữ im lặng. Vẫn theo The Athletic, "có những cầu thủ không được nói chuyện riêng với Lampard trong nhiều tháng trời và điều này khiến họ rất gây ức vì không biết bản thân cần cải thiện điều gì".
Gần hai năm Lampard dẫn dắt Chelsea không chỉ đơn thuần là những ký ức buồn. Ông đã cho ra mắt tổng cộng tám cầu thủ của học viện Chelsea và không ngần ngại đặt niềm tin vào những viên ngọc thô như Tammy Abraham, Mason Mount, Reece James hay Callum Hudson-Odoi. Về mặt thành tích, Chelsea mùa giải đầu tiên đã vượt qua những khó khăn của việc bị cấm chuyển nhượng, mất đi ngôi sao số một Eden Hazard để cán đích ở vị trí thứ tư và vào đến chung kết Cup FA. Tại Champions League, Chelsea chỉ thất bại tại vòng 16 đội trước một Bayern Munich quá mạnh. Mùa giải này, họ cũng vượt qua vòng bảng dưới sự lèo lái của Lampard.
Nhưng khi Chelsea đối đầu Atletico Madrid tại vòng 1/8, người ngồi ở ghế HLV sẽ là Thomas Tuchel - một HLV đã có những danh hiệu và được cho là sẽ cải thiện được phong độ của những đồng hương người Đức Werner và Havertz. Lampard đã không còn cơ hội và phải ra đi như chính cách ông từng nhận định về Andre Villas-Boas năm 2012: "Ông ấy đã có những thử nghiệm và thất bại. Tôi không chắc rằng chuyện này do ông ấy còn quá trẻ hay đến Chelsea quá sớm nữa".
Trong khi Lampard mất việc ở Chelsea, người đồng đội một thời thường xuyên được so sánh với ông tại tuyển Anh là Steven Gerrard vừa có trận thứ 150 dẫn dắt Rangers. Dưới trướng Gerrard, Rangers đang trải qua mùa giải bất bại và bỏ xa đội xếp sau tại giải Scotland tới 23 điểm. Sự thống trị của Celtic nhiều khả năng sẽ bị đội quân của Gerrard phá vỡ tại mùa giải này. Ngoại hạng Anh và giải Scotland có sự chênh lệch lớn về đẳng cấp, nhưng khởi điểm khiêm tốn trước khi đến với những đội bóng khổng lồ với áp lực vô địch là một bước đi hợp lý. Không phải ai cũng có thể thành công ngay lập tức khi lần đầu nắm đội bóng lớn như Pep Guardiola hay Zinedine Zidane.
Tại sân Stamford Bridge, có một tấm banner khổ lớn in hình Lampard kèm dòng chữ "Cầu thủ - Huấn luyện viên - Huyền thoại". Frank Lampard sẽ luôn là "Super Frank", là huyền thoại của Chelsea, nhưng chỉ với tư cách cầu thủ.
Thịnh Joey