Sau khi Audi mua lại Lamborghini, những chiếc xe thể thao mang logo bò tót trở nên ấn tượng hơn bao giờ hết. Vẫn sức mạnh và mức giá rất đắt đó, nhưng giờ đây còn đi liền với độ tin cậy tiêu chuẩn Đức. Nếu còn lưỡng lự, bạn hãy cầm lái thử chiếc Huracan, mọi nghi hoặc sẽ được xóa bỏ.
Trước đó Lamborghini chỉ là Lamborghini, một thương hiệu độc lập, sản xuất những chiếc xe với kiểu dáng khác biệt đi kèm động cơ tăng tốc nhanh, và bán ở mức giá vừa phải. Họ từng mơ về việc chế tạo một chiếc SUV, còn người đàn ông sáng lập Ferruccio Lamborghini từng sản xuất rất nhiều máy kéo.
Câu chuyện bắt nguồn từ nông trại của Ferruccio, khi đó là một thương nhân Italy giàu có trong những năm 40, 50. Trong thâm tâm, ông luôn muốn một cỗ máy tuyệt vời ngoài việc chỉ quanh quẩn với những chiếc máy kéo. Kể từ đó, Lamborghini đối đầu trực tiếp với Ferrari để tạo ra những mẫu xe thể thao tương phản hoàn toàn với những chú ngựa ô.

Lamborghini Huracan. Ảnh: NY Times
Lamborghini ngay lập tức gây dựng được những thành công vang dội nhưng vinh quang chẳng kéo dài bao lâu. Mặc cho những chiếc xe hào nhoáng khó trộn lẫn trong đám đông, hãng đã sớm phải đối mặt với tình hình tài chính khó khăn và thực tế kinh doanh chua xót. Thậm chí, sau khi tung ra cùng lúc cả Miura và Countach, trở thành hai trong những mẫu xe thể thao ấn tượng đầu tiên giữa thế kỷ 20, Lamborghini vẫn đánh mất đi cơ hội của chính mình. Hãng xe trải qua những quyết định sai lầm của một thế hệ chủ sở hữu kế cận khiến chất lượng xe trở nên nghèo nàn.
Cuối những năm 90, phần lớn ngành công nghiệp xe hơi Châu Âu đối mặt với sự biến động, sáp nhập và bị mua lại hoàn toàn. Đó là thời điểm thích hợp để các thương hiệu lớn thực hiện các thương vụ thâu tóm. Và Audi, dưới sự điều hành của hãng mẹ Volkswagen (VW), mua lại nhà sản xuất xe thể thao Italy. Đó như một sự kết hợp tới từ thiên đường của dòng máu lai Đức – Italy.
Ferdinand Piech, ông chủ của cả VW và Audi nhìn lại những vấn đề và nhận ra ở Lamborghini vẫn còn đó nền tảng kỹ thuật và thiết kế tuyệt đỉnh. Những gì hãng xe cần là đường lối lãnh đạo, kiểm soát chất lượng và một điểm tựa tài chính. Với Audi, đó cũng là một cơ hội để bắt đầu nhảy vào địa hạt của những mẫu thể thao sang trọng thực thụ.
Người đứng đầu phân nhánh Lamborghini khu vực Châu Mỹ, Alessandro Farmeschi, từng giãi bày về việc công ty đã trở nên chao đảo khi tiến bước về tương lai, ở thời điểm 20 năm trước, mọi thứ còn khá mờ nhạt.
"Sự thay đổi đòi hỏi hai thứ mà chúng tôi đã may mắn có được," Farmeschi nói. "Niềm đam mê của nhân viên và những thành tự cơ khí. Chúng tôi cũng may mắn khi đại bản doanh được đặt tại vùng độc đáo, nơi hoạt động chính vẫn là thiết kế và lắp ráp động cơ".
Nhưng thành công thực sự của kỷ nguyên hiện đại sẽ cần nhiều thứ hơn, không chỉ là đam mê và tài năng.
"Về dưới mái nhà Audi, chúng tôi có thể tập trung tối ưu hơn cho các quy trình và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Nếu không có họ, sẽ không có thành công cho Lamborghini. Chúng tôi yêu cầu nhiều nhà cung cấp hơn. Vì ngay cả khi bạn có thể thiết kế được phụ tùng tốt nhất có thể, nhưng nó lại không được sản xuất và lắp ráp bởi một đối tác đủ tốt thì mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa."
Mong muốn của khách hàng đã thay đổi. Farmeschi tiếp tục: "10 năm trước, có rất ít hãng trong phân khúc siêu xe hiệu suất cao. Nhưng giờ đây, con số đó rất nhiều, dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Chúng không thể chỉ là những chiếc xe chỉ dành cho dịp cuối tuần nữa, siêu xe cũng phải đáng tin cậy để khách hàng lái đi hàng ngày".
Ferruccio Lamborghini bắt đầu kỷ nguyên sản xuất xe hơi của mình vào năm 1963, nhắm tới đối thủ chính là Ferrari. Những chiếc coupe 350GT và 400GT đầu tiên thực sự tuyệt vời với động cơ V12 độc đáo, ở đó mỗi xi-lanh được trang bị tới 4 van. Từ đó, những thay đổi của ngành công nghiệp trỗi dậy.
Lamborghini ra mắt Miura năm 1966, mẫu xe thể thao đường phố tiên tiến với thiết kế lộng lẫy, động cơ V12 gầm rú đặt sau khoang hành khách. Đi từ bất ngờ đến kinh ngạc, năm 1971, Lamborghini tiếp tục cho ra đời một mẫu xe ngầu không kém được thiết kế bởi Marcello Gandini để kế thừa Miura.
Việc lựa chọn ra cái tên cuối cùng lại được quyết định bởi một nhân viên bảo vệ. Anh ta mở cánh cửa của một phòng studio chật hẹp và tối tăm, nơi đang chứa mô hình bằng đất sét và gỗ của nguyên mẫu chiếc xe. Đèn vừa bật sáng, người bảo vệ bất ngờ kêu lên bằng giọng thổ ngữ vùng Piedmontese, "Contacc!" (Từ đó được phát âm như "coon-tash", khi dịch sang tiếng Anh gần như một tiếng "Wow".). Vài lãnh đạo của Lamborghini có mặt lúc đó, và thế là Countach được đặt tên cho chiếc xe thể thao.

Lamborghini Countach. Ảnh: Lamborghini
Đối với Lamborghini và Audi, sự hợp tác cuối những năm 90 giữa họ mang đến những lợi ích chưa từng có.
Cả Gallardo và R8 đều chứng kiến sự ra mắt hoành tráng giữa những năm 2000, chúng đặt chân vào kỷ nguyên của siêu xe. Gallardo trở thành mẫu xe bán chạy nhất đồng thời cũng là mẫu xe V10 nhanh nhất của hãng xe bò tót. Hậu duệ của Gallardo ngày nay chính là Huracan.
Cú sốc thực sự xảy ra trong năm 2017 khi Lamborghini chính thức giới thiếu mẫu SUV mang tên Urus. Nó đã mau chóng trở thành mẫu xe chủ lực vượt qua cả những đàn anh. Ở thời điểm hiện tại, cứ 10 chiếc Lamborghini được sản xuất thì 6 trong số đó là các biến thể của Urus, điều mà một thập kỷ trước đó chẳng ai có thể nghĩ tới. Và quan trọng, chất lượng xe Lamborghini đã tốt lên hơn bao giờ hết, với sự xuất hiện của Urus, các mẫu Huracan và chiếc Aventador mang động cơ V12 lớn hơn.
"Dù cho những bước tiến chúng tôi đạt được gần đây, sự tin cậy không thực sự là một yếu tố thúc đẩy để khách hàng đến với Lamborghini,". Farmeschi cho biết. "Bạn mua một chiếc Lamborghini vì địa vị xã hội và phong cách. Tuy vậy, nếu những chiếc xe mất đi sự tin cậy trong môi trường ngày nay, đó chắc chắn sẽ là tử huyệt, kể cả đó có là thế giới của siêu xe. Lúc ấy thậm chí bạn chẳng còn được tham gia cuộc chơi nữa. Những giá trị còn lại cũng rất quan trọng. Ngay cả ở phân khúc đắt đỏ này, sở hữu chiếc xe phải là một khoản đầu tư hiệu quả".
Lamborghini không tham gia vào những nghiên cứu về độ tin cậy của J.D. Power hay các bên tương tự, nhưng họ vẫn thực hiện đều đặn những khảo sát về chỉ số hài lòng khách hàng.
"Đó là một điều khó khăn cho những công ty nhỏ khi thực hiện các nghiên cứu này từ bên ngoài, nhưng chúng tôi có hệ thống giám sát sự hài lòng khách hàng của riêng mình, cho phép kiểm soát sản phẩm, các hoạt động bán hàng và hậu mãi. Mạng lưới chặt chẽ của chúng tôi thực hiện khảo sát hàng tháng và đưa ra những câu hỏi với khách hàng để đánh giá với thang điểm từ 0 đến 10. Nếu một khách hàng đánh giá bất cứ vấn đề nào dưới 8, chúng tôi sẽ yêu cầu báo cáo chi tiết trong vòng 7 ngày cho tình huống gặp phải với thông tin thu thập từ người kiểm tra, đại diện vùng, đại lý, và giám đốc sản phẩm tại các trụ sở. Nhưng kể cả với hệ thống nghiêm ngặt này, điểm đánh giá trung bình của chúng tôi hiện ở mức 9.8".
Để kiếm chứng những điều này ư, bạn hãy lái chúng.
Bên cạnh thiết kế (và cả mức giá), Lamborghini còn một đặc trưng thương hiệu khác: âm thanh. Đặc biệt hơn, bạn sẽ cảm nhận được bản opera từ chiếc Hurancan khi chân phải nhấn ga. Nhưng đầu tiên, bạn phải bắt đầu với ngón tay trỏ của mình đã. Đặt chúng lên bảng điều khiển trung tâm, nhấn vào chiếc nút phía dưới nắp đậy, khởi động cỗ máy siêu xe và lắng nghe tiếng gầm gừ của khối động cơ phía sau lưng. Phần lớn những mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong đều che đậy động cơ kín mít tới mức bạn khó nhận ra những gì đang xảy ra bên trong. Còn với Huracan, mọi thứ chẳng hề khó tưởng tượng. Âm thanh của 10 xi-lanh nằm bên dưới lốc máy bằng nhôm sẽ làm tan biến đi mọi hoài nghi về sức mạnh khi người lái đề nổ.

Huracan là hậu duệ của Gallardo. Ảnh: NY Times
Nhưng những âm thanh đó sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng không được đẩy ra bên ngoài. Với dung tích 5,2 lít, chiếc xe 631 mã lực sẽ lao vút đi như một mũi tên bắn, tạo nên thứ gia tốc tương đương một chiếc môtô phân khối lớn hoạt động ở vòng tua 8.000 vòng/phút. Còn với Huracan, chỉ cần 6.500 vòng/phút là tạo ra công suất tối đa với lực kéo 600 Nm. Ở dải tốc độ ấy của chiếc siêu xe, thì phần lớn những động cơ ôtô khác đã phải đặt giới hạn điện tử nếu không muốn những chiếc piston vỡ tung khỏi lốc máy.
Chỉ cần đặt chân trước ống xả, cảm nhận luồng sức mạnh phụt ra và mọi bế tắc của bạn dường như tan biến. Nhưng còn một vấn đề, để những thứ cảm xúc tuyệt vời ấy là của bạn, số tiền phải bỏ ra ít nhất là 287.400 USD. Bản Evo có thể tăng tốc 0-100 km/h trong vòng 3,1 giây theo công bố từ Lamborghini trước khi đạt tốc độ tối đa 325 km/h. Mặc dù vậy con số thực tế mà tạp chí Car and Driver tính toán thì chiếc xe thậm chí chỉ mất 2,5 giây để kim đồng hộ chạm mốc 100, vì thế con số mà hãng siêu bò đưa ra có vẻ đã hơi khiêm tốn.
Sự kỳ diệu của chiếc Hurancan còn đến từ sự phản ứng tức thì của vô-lăng và hệ thống giảm xóc. Tại những khúc cua, những pha bẻ lái và trên đường trường, cảm giác giống như một chiếc go-kart khổng lồ đang lướt đi. Đĩa phanh lớn sử dụng công nghệ gốm carbon giảm tốc chiếc xe nhanh tới kinh ngạc. Nếu bạn muốn thử vài vòng nhưng không chắc liệu thần kinh của mình có thể chịu được tốc độ khủng khiếp của chiếc xe, hãy chuẩn bị sẵn vài liều thuốc Zoloft.
Lamborghini cũng tinh chỉnh lại nội thất trong chiếc Huracan, sử dụng một màn hình cảm ứng hiện đại rộng 8.4 inch để thay thế hoàn toàn những phím bấm cũ tại bảng điều khiển trung tâm. Những menu mang hơi hướng của Audi giúp tài xế dễ dàng làm quen. Với phiên bản convertible, mui xe có thể được xếp gọn chỉ trong 17 giây, và tính năng nay được cho phép thực thi ở tốc độ lên tới 50km/h.
Và giờ thì bản opera của hãng siêu bò mở ra với thành viên mới, Urus – một chiếc SUV mang mức giá Lamborghini. Nó cho phép Lamborghini thậm chí còn trở nên điên loạn và cuốn hút hơn bao giờ hết bên cạnh những thành viên gạo cội Aventodor và Huracan.
Theo một cách nào đó, biến chiếc xe trở thành một nhà hát trên đường phố là những gì Lamborghini luôn thực hiện. Nhưng kể từ khi kết hợp cùng Audi để gặt hái những thành quả thực tế, thì những ánh đèn của nhà hát đã luôn rực sáng, những tấm rèm sân khấu luôn mở ra hai bên, những thanh âm nhạc cụ luôn cất lên và chẳng còn chỗ cho những nỗi sợ hãi tầm thường của một người học việc.
Thái Hoàng (theo The New York Times)