![]() |
Bị cáo Lâm Xuân Phát. |
Theo cáo trạng, ngày 25/4/1988, Cơ quan Cảnh sát điều tra TP HCM chuyển hồ sơ đề nghị truy tố Châu Phát Lai Em về tội giết người. Phát được giao nhiệm vụ thụ lý, kiến nghị chuyển tội danh của Lai Em thành giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Phát khai: “Nghiên cứu hồ sơ vụ án, bị cáo thấy nội dung kết luận điều tra truy tố Châu Phát Lai Em về khoản 3 (giết người do bị kích động về tâm lý) là chưa rõ. Bởi mâu thuẫn giữa Châu Phát Lai Em và nạn nhân Đổng Chí Nam có từ trước, nạn nhân lại là người gây chuyện. Vì vậy, bị cáo làm đề xuất trình cấp trên xem lại”. HĐXX hỏi: "Ý kiến của lãnh đạo phòng về kiến nghị này?”. Trả lời: “Lãnh đạo phòng đồng ý”.
Cũng theo lời khai của Phát, lãnh đạo Phòng Kiểm sát điều tra án trị an lúc đó đồng ý chuyển tội danh, và nói chuyển chuyển hồ sơ sang Ủy ban kiểm sát. "Tuy nhiên, việc hồ sơ không được chuyển thì bị cáo không biết, đó là quyết định của tập thể", Phát nói.
Tòa hỏi: "Tại sao phải nghỉ việc?". Phát: "Trước vụ án Châu Phát Lai Em, bị cáo có thụ lý vụ án làm giả hồ sơ và cũng kiến nghị đình chỉ. Cơ quan nghi ngờ bị cáo làm sai lệch hồ sơ và ra quyết định kiểm điểm trong khi chưa có kết luận cuối cùng về vụ án. Trong một vụ khác, bị cáo sai sót 300.000 đồng vật chứng. Cơ quan tỏ ý không muốn bị cáo làm nữa nên bị cáo xin nghỉ việc”. |
Ngày 31/12/1988, ông Nguyễn Văn Bông, Phó viện trưởng VKSND thành phố quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Tới khi Năm Cam bị bắt giữ, Cơ quan điều tra Bộ Công an lật lại vụ án giết anh Đổng Chí Nam thì hồ sơ không còn. Theo cơ quan công tố, lỗi này thuộc về Lâm Xuân Phát, người được giao thụ lý vụ án từ đầu. Vấn đề này Phát khai: "Theo quy định, sau khi hồ sơ xong thì giao lại cho tham mưu tổng hợp văn phòng vào sổ lưu trữ. Vụ án Châu Phát Lai Em kết thúc vào năm 1988, đến năm 1992 bị cáo nghỉ việc ở VKS. Lúc nghỉ việc bị cáo đã bàn giao toàn bộ công việc. Không lẽ suốt 4 năm trời, bị cáo không bàn giao hồ sơ. Xin HĐXX xem xét lại”. Chủ toạ hỏi: "Tại sao trên sổ sách văn thư lưu trữ không thấy thể hiện việc bàn giao này?”. Trả lời: “Nếu sau khi bị cáo nghỉ việc mà hồ sơ bị mất rồi quy trách nhiệm cho bị cáo thì VKS thành phố phải chứng minh được là do bị cáo làm mất. Khi đó bị cáo sẽ nhận trách nhiệm. Còn bây giờ, bị cáo chỉ chịu lỗi là không giữ được sổ sách của mình. Còn VKS cũng phải xem lại tại sao sổ sách văn thư và sổ sách bên Ủy ban kiểm sát cũng đồng loạt không có, chứ đừng quy tội cho bị cáo”.
Bị cáo Nguyễn Bá Phong tiếp tục đứng trước vành móng ngựa để trả lời thẩm vấn của các luật sư. Theo cáo trạng, sau khi nhận hồ sơ vụ Châu Phát Út đánh Trác Minh Dũng từ Công an quận 1, kiểm sát viên Đinh Duy Hưng được giao thụ lý. Tuy nhiên, với vị trí là viện trưởng VKSND quận 1, nhân vật đã từng vào vai Ngô Đình Diệm trong bộ phim Ông cố vấn, đã chỉ đạo Hưng viết đề xuất huỷ bỏ biện pháp tạm giam với Châu Phát Út và đình chỉ điều tra vụ án. Việc này được ông Quân duyệt "đồng ý". Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Thành Quý, Nguyễn Bá Phong nói: "Bị cáo phê chuẩn đình chỉ vụ án Châu Phát Út là đúng pháp luật”. Luật sư Quý đặt lại vấn đề là chưa có bản án có hiệu lực pháp luật tuyên Châu Phát Út có tội thì chưa thể truy tố Nguyễn Bá Phong. Chủ tọa phiên tòa lập tức cắt ngang và lưu ý ông Quý: "Đây không phải là trường học để luật sư giải thích luật. Tòa nghĩ rằng với trình độ, cương vị của mình, Nguyễn Bá Phong là người hiểu rõ về luật. Luật sư cần đi thẳng vào nội dung, hành vi của bị cáo. Còn về thủ tục tố tụng, hành vi cấu thành tội phạm, nên chờ phần tranh luận cùng đại diện VKS”.
Các luật sư Phạm Đình Hậu (bào chữa cho Châu Phát Lai Út), và Phạm Quốc Hưng (bào chữa cho Châu Phát Lai Em) đều tham gia đặt câu hỏi để làm rõ các vụ án giết anh Đổng Chí Nam, gây thương tích với anh Trác Minh Dũng. Các luật sư yêu cầu được hỏi 2 người có liên quan đến vụ án là kiểm sát viên Đinh Duy Hưng và Phó viện trưởng VKSND quận 1 Lê Mạnh Quân, nhưng cả 2 người này đều không đến toà theo triệu tập. Luật sư yêu cầu tòa phải dẫn giải 2 nhân chứng đến toà. Chủ tọa chấp nhận đề nghị này và cho biết sẽ dành thời gian cho các luật sư hỏi ông Hưng, ông Quân sau.
Chiều nay, tòa nghỉ để mai chuyển sang xét hỏi các bị cáo trong nhóm tội cưỡng đoạt tài sản. Châu Phát Lai Em lại tiếp tục ra trước vành móng ngựa cùng 6 bị cáo khác. 7 luật sư và 66 người có liên quan sẽ phải có mặt.
Nghĩa Phương