![]() |
(roadmaptoheaven) |
Thời sinh viên, mỗi học kỳ Diên chỉ về quê một lần, cầm lên mấy triệu đồng để tiêu cho cả mấy tháng. Trong khi những nam sinh khác tiêu xài xả láng rồi nhịn đói dài dài thì Diên phân phối đều số tiền trên rồi chi tiêu nghiêm ngặt theo kế hoạch. Suốt 4 năm trời, anh chưa một lần "đứt bữa" bởi lối sống mẫu mực không quán xá, không đàn đúm ăn chơi.
Năm cuối, Diên có bạn gái nhưng chi tiêu của anh cũng không thay đổi gì mấy. Tuần 2 lần, họ dẫn nhau đi chơi, địa điểm là 3 công viên gần trường. Riêng tối thứ bảy, Thanh, cô gạn gái, được quyền lựa chọn hoặc ăn chè, hoặc ăn kem nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi 5.000 đồng. Thanh hài lòng khi thấy người yêu không vay mượn túng thiếu như bạn bè khác. Cô hy vọng khi lấy nhau, Diên sẽ là người đàn ông chỉn chu biết thu vén cho gia đình.
Sau ngày cưới, Diên là người nắm giữ và quyết định mọi khoản chi tiêu trong gia đình. Tuy nhiên, với anh như vậy vẫn chưa đủ. Mọi thứ Thanh mua về Diên đều chê đắt, lãng phí, không xứng với đồng tiền bỏ ra. Cuối cùng, anh giành luôn cả việc đi chợ mua sắm. Ra chợ, Diên mặc cả giỏi hơn cả Thanh. Mua thứ gì, anh đều nâng lên đặt xuống vài lần, cố tìm ra được nhược điểm để chê bai và hạ giá xuống. Từ chai nước mắm, lọ muối đến đồ dùng trong nhà đều do anh mua cả. Cưới nhau được một năm thì Thanh hoàn toàn mù tịt về giá cả thị trường vì cô không bao giờ được đi chợ.
Nhờ tiết kiệm, dần dần, đôi vợ chồng cũng mua sắm được nhiều vật dụng trong gia đình, chỉ có điều chúng ít được đưa vào sử dụng vì Diên sợ tốn tiền điện. Ở nhà họ, sau 10 giờ đêm, ti vi không bao giờ được bật; tủ lạnh, đầu đĩa chỉ để làm cảnh là chính. Diên cũng chủ động cắt giảm các mối quan hệ vì chúng chỉ gây tốn kém. Hầu như vợ chồng họ không bao giờ đến thăm bạn bè cũng như mời họ đến nhà chơi vì như vậy là phải quà cáp, ăn uống. Đám hiếu hỉ của hàng xóm hay đồng nghiệp, họ cũng không đi, chỉ gửi chút tiền gọi là vì nếu đi thì phải mất nhiều hơn.
Khi con ốm, vì tiếc tiền nên Diên chủ trương tự chữa mà không cần đưa đi khám bác sĩ. Khi con bệnh nặng, Diên không có nhà, Thanh ôm con đến bệnh viện mà trong túi không có tiền đóng viện phí. Cô phải đem chiếc xe máy của mình đến hiệu cầm đồ. Diên về, chưa để ý con ốm đau ra sao đã lớn tiếng quát mắng vợ vì tội mang xe đi cầm cố. Anh tháo tung xe ra xem có bị đổi phụ tùng không.
Khác với Diên, Lộc sống ở Hà Nội, kinh tế gia đình cũng khá nên không phải lo chuyện túng thiếu. Nhưng anh cũng giống Diên ở tính tiết kiệm một cách quá đáng. Cuối mỗi năm học, từ số tiền bố mẹ cho để ăn sáng, đổ xăng và tiêu vặt, Lộc mua được một chiếc nhẫn vàng cất vào đáy tủ. Ngoài giờ học, Lộc không bao giờ la cà quán nước. Lớp tổ chức đi dã ngoại, anh cũng "nhường" bạn trả tiền dù đó là bạn trai hay bạn gái.
Rồi Lộc có người yêu. Những buổi chiều cuối tuần, anh rủ cô đi dạo; nghĩa là họ chỉ đi với nhau thôi chứ không bao giờ vào quán nước, có khát thì về nhà uống. Ngày lễ ngày Tết, hai người rủ nhau đi mua sắm nhưng của ai nấy trả, rất minh bạch, sòng phẳng. Nhiều lúc Lan thấy buồn nhưng bố mẹ cô lại động viên: "Nó là người chín chắn, biết vun vén; chứ lấy phải thằng hoang tàng cờ bạc thì hay ho gì".
Ngày cưới, chú rể Lộc cứ lượn quanh hộp đựng phong bì, sợ có người đánh cắp. Tan tiệc, anh bảo nhân viên nhà hàng lấy túi nylon để thu dọn tất tần tật đồ thừa. Khi thanh toán, chủ nhà hàng thiếu một nghìn lẻ, anh cũng bắt vợ chờ lấy bằng được rồi mới về.
Hết tuần trăng mật, Lộc tuyên bố, Lan dùng tiền không có kế hoạch nên rất lãng phí, vì vậy anh sẽ quyết định thay vợ mọi khoản chi tiêu trong nhà. Hằng ngày trước lúc đi làm, Lộc lấy tiền đưa cho vợ đi chợ. Mọi khoản thu chi, anh ghi vào một quyển sổ.
Những ông chồng là "thần giữ của" như Diên và Lộc tuy không chiếm số đông nhưng chẳng phải là hiếm. Trong những trường hợp đó, người vợ thường cảm thấy khổ sở do phải sống một cách quá thiếu thốn, mất đi sự thoải mái tự do và quan trọng hơn cả mà mất đi những suy nghĩ đẹp đẽ về chồng mình. Hình ảnh người chồng cứ bé dần trong mắt họ và tình yêu cũng theo đó tàn lụi. Các cuộc ly hôn thường khó tránh khỏi. Cặp vợ chồng Diên - Thanh là một ví dụ. Vụ con ốm là một giọt nước làm tràn ly chịu đựng của Thanh. Sau khi con xuất viện, cô đã làm đơn ly hôn vì không thể chung sống với người chỉ lấy đồng tiền làm trọng.
Còn Lan và Lộc tuy vẫn sống với nhau nhưng không thực sự hạnh phúc. Lan đã cố an ủi mình rằng có người chồng là "đại tổng quản", mình càng nhàn vì chẳng phải lo toan gì. Nhưng cô không tránh khỏi khổ tâm khi ngay cả muốn mua quần áo mới cho chồng và bản thân, Lộc cũng gạt đi, cho là quá lãng phí. Trong đầu Lan, những ý nghĩ "biết vậy...", "giá như..." xuất hiện ngày càng nhiều.
(Theo Phụ Nữ Việt Nam)