![]() |
Khi chồng bận, chị em có thể tự tạo niềm vui cho chính mình. Ảnh: Pro.corbis.com. |
Quản lý một công ty quảng cáo mới thành lập, Quang bận tối mắt, chẳng mấy lúc có mặt ở nhà. Ngày trước, Huyền cứ nghĩ, cưới xong, sáng Quang sẽ đưa cô đi làm, thỉnh thoảng buổi trưa hai vợ chồng hẹn hò ăn uống, tối vui vẻ bên mâm cơm ấm cúng hay lang thang, uống cà phê như thuở còn yêu.
Còn giờ, sáng cô đến cơ quan thì Quang vẫn ngủ. Trưa, anh còn hẹn đối tác, đi ăn cùng đồng nghiệp để củng cố tinh thần nhân viên mới hay tranh thủ gặp mấy thằng bạn đang có mối làm ăn. Tối, sớm nhất là 9 giờ anh về, có khi ăn cơm xong lại ngồi lì bên chiếc laptop. Còn việc Huyền phải đợi chồng đến 11-12 giờ đêm là chuyện thường.
Buồn chán, tủi thân, Huyền giận dỗi, hờn trách, làm mặt lạnh với chồng. Mới đầu, Quang cũng dỗ dành, an ủi vợ, hứa dành nhiều thời gian, quan tâm hơn đến cô. Nhưng rồi công việc lại cuốn anh đi. Hết lần này đến lần khác, Huyền chán, chẳng muốn nói, cũng không buồn dỗi nữa. Dạo này, có anh bạn đồng nghiệp tỏ ra rất quan tâm đến cô. Huyền cũng thấy chòng chành.
Theo bà Trần Thị Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn Tình yêu-Hôn nhân - Gia đình thuộc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, trong xã hội hiện đại, nhiều người đàn ông bị công việc cuốn đi, không còn thời gian dành cho cá nhân và gia đình. Có ông, ỷ vào vị thế là trụ cột về kinh tế, "khoán" trắng cho vợ việc nhà, chăm sóc con cái, còn mình chỉ lo sự nghiệp.
Là phụ nữ, ai cũng muốn được quan tâm, yêu thương và coi trọng. Vì thế, khi chồng quá bận rộn lại vô tâm, nhiều chị em cảm thấy cô đơn, buồn tủi và dễ tìm hình bóng khác ngoài hôn nhân để được trò chuyện, chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Hà, các chị cũng nên thông cảm cho đức lang quân, cùng anh ấy chia sẻ những khó khăn, vui buồn thay vì chỉ ca thán, chỉ trích.
"Nếu bạn càng ngồi một chỗ để tủi thân, dằn vặt, thậm chí nghi ngờ rồi đâm ra oán trách, giận dỗi với chồng thì càng khiến mối quan hệ của hai người thêm căng thẳng", bà Hà nói. "Tại sao chị em không tận dụng thời gian đó để thực hiện sở thích của mình hay học thêm nâng cao kiến thức, khỏi tụt hậu so với chồng và dễ chia sẻ với anh ấy về công việc, thời cuộc hơn?".
Thêm vào đó, trong môi trường xã hội phức tạp với nhiều tệ nạn như hiện nay, việc chồng "nghiện" việc thay vì nghiện các thứ khác như rượu chè, ma tuý, gái gú... cũng là điều các chị nên mừng.
Bà Hà cho biết, có rất nhiều chị em đến trung tâm để tư vấn về tình trạng chồng quá ham việc mà lơ là gia đình. Nhưng, cũng có không ít người lại buồn phiền vì có ông chồng "bận ảo". Tức là các ông "bận" nhậu nhẹt, "bận" chơi game... rồi viện cớ công việc để ra khỏi nhà. Có ông do bản tính tự do, không có trách nhiệm với gia đình, nhưng cũng có ông bị chính các bà vợ "đẩy" ra đường.
Như anh Ninh, chồng chị Hằng, chẳng hạn. Từ khi lên trưởng phòng lập trình một công ty thương mại ở Lò Đúc, Hà Nội, anh rất ít về nhà. Ninh thanh minh với vợ: "Toàn vì công việc thôi em. Mình mới được cất nhắc nên cũng phải đáp lễ người ta chứ". Chị vợ hậm hực, cằn nhằn, rồi bóng gió bảo: "Anh bận 'bồ' chứ việc gì. Trước có thế đâu, mới trưởng phòng chứ đã ông nọ ông kia gì đâu mà suốt ngày tiếp khách với tiếp khứa".
Lời qua tiếng lại vài lần, Ninh cũng chẳng nói gì nữa, nhưng dần dà, không có việc, anh cũng ít về nhà. Anh nói với đám bạn: "Chán lắm, hơi tí là nhăn nhó rồi nói ra rả suốt, không chịu được". Thế là, nay anh bận đi "giao tiếp" cùng giám đốc, mai nhậu với mấy cậu bạn chí cốt, ngày kia đi đá bóng, ngày kìa đi hát với hội... độc thân ở cơ quan.
Theo bà Hồng Hà, với những ông chồng bận kiểu này, các bà vợ cần tìm hiểu nguyên nhân cụ thể để có cách "điều trị". Tuy nhiên, dù gì, trước hết, người phụ nữ cần tạo bầu không khí ấm cúng, vui vẻ, chan hoà trong gia đình, khiến người chồng sáng háo hức đi, tối hăm hở về. Các chị cũng nên lôi cuốn chồng vào những sinh hoạt chung của cả nhà, để anh ấy ý thức về trách nhiệm của mình trong việc xây dựng tổ ấm, dạy dỗ con cái.
Và dù chồng nghiện việc thật hay ảo thì người vợ cũng cần thẳng thắn mà nhẹ nhàng nói chuyện, trao đổi tâm tư, suy nghĩ của mình. Người vợ có thể đưa ra một số "điều khoản" mà chồng nhất định phải tuân thủ như: Dù bận công việc đến đâu, mỗi tuần tối thiểu phải về ăn cơm với gia đình một bữa, hay dành thời gian trò chuyện với con cái, âu yếm vợ...
Chị Sương, nhân viên kế toán ở một công ty may mặc ở Hà Đông (Hà Tây) được mọi người nhà chồng cũng như bạn bè nể phục vì tài "cảm hoá" ông chồng chỉ biết có công việc của mình. Chồng chị là dân làm báo, rất yêu nghề, lại là sếp nên việc vắng nhà với anh như là điều đương nhiên. Thui thủi một mình chị buồn, tủi thân rồi cũng giận hờn, trách móc chồng.
Nhưng rồi, thấy làm thế chẳng ích gì, lại khiến anh xa cách với vợ hơn, nên dần dần chị học cách quen với những buổi tối đợi chồng, các đêm anh đi trực, ngày lễ không có anh đưa đi chơi, chiều chuộng. Chị cũng tập tự tạo niềm vui cho mình như đọc sách, đi shoping hay làm đẹp với mấy cô bạn, dẫn con gái đi chơi công viên... những lúc anh vùi đầu trong công việc. Rồi, thay vì trách móc chồng không quan tâm hay hết lãng mạn, chị chủ động rủ anh đi xem phim, thư giãn những lúc rỗi việc một chút.
Chị cũng đặt ra nguyên tắc là ít nhất trong tuần phải có một buổi anh chơi với con, và nếu không có việc gì quá gấp gáp thì dù muộn chị cũng đợi chồng về ăn tối. Không ngờ, những điều này hiệu quả không ngờ. Dù giờ anh vẫn bận rộn nhưng hai người đã sắp xếp được thời gian để đưa con gái đi chơi, thỉnh thoảng còn như đôi uyên ương đi uống cà phê, dạo phố cùng nhau. Anh vừa nể vợ, vừa thêm yêu chị nhiều hơn.
Thuỳ Minh