Nghiên cứu công bố trên tạp chí BMJ Open của nhóm chuyên gia ở Singapore, chỉ ra hoạt động thể chất thường xuyên giúp người già cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, giảm thiểu rủi ro và tác động của các bệnh mạn tính, hạn chế nguy cơ ngã, liệt và tử vong.
Sau khi chọn ngẫu nhiên 249 tình nguyện viên ở độ tuổi 21-64 và 240 người trong độ tuổi 65-90 ở thị trấn Yishun ở Singapore, nhóm chuyên gia yêu cầu họ làm các bài kiểm tra nhận thức và hoạt động đánh giá khả năng thể chất, như việc đứng lên khỏi ghế nhanh nhất có thể.
Người tham gia cũng được hỏi về mức độ vận động như khối lượng công việc nhà nhẹ (quét nhà, hút bụi) và việc nặng (lau chùi, chà sàn nhà) đã làm. Từ đó sẽ đánh giá về nguy cơ bị ngã dựa trên độ nhịp nhàng của đầu gối.
Sau khi xem xét các yếu tố về tuổi tác, giới tính và khối lượng công việc phải làm, nhóm tác giả nhận thấy trong cùng thời gian 131 phút làm việc nhà mỗi tuần với công việc nặng, điểm nhận thức và điểm chú ý của những người lớn tuổi cao hơn nhóm không làm hoặc ít làm việc nhà là 8% và 14%. Đáng chú ý, những người thường xuyên làm các công việc nặng nhọc có thời gian đứng lên khỏi ghế và giữ thăng bằng tốt hơn. Nguy cơ bị ngã cũng thấp hơn các nhóm còn lại.
Nghiên cứu cũng phát hiện điểm nhận thức và điểm trí nhớ cao hơn 5% ở những người lớn tuổi làm việc nhà ở mức độ nhẹ nhàng.
Tiến sĩ Shiou-Liang Wee, đồng tác giả của nghiên cứu, thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục, Lão khoa và Công nghệ Singapore, cho biết thông điệp muốn gửi gắm qua công trình là việc duy trì sức khỏe không chỉ thông qua các hoạt động thể chất, giải trí.
Theo ông Wee, làm việc nhà là hoạt động được nhiều người lớn tuổi lựa chọn. Làm việc thường xuyên, cường độ nặng vừa phải giúp người già có trí nhớ nhạy bén, tăng khả năng giữ thăng bằng và chống té ngã.
Nhưng thông tin này nhanh chóng vấp phải những ý kiến trái chiều.
Giáo sư tâm thần học lão khoa Gill Livingston, Đại học College London, người không tham gia vào nghiên cứu, đánh giá công trình khá thú vị nhưng ít ý nghĩa bởi những người già yếu không đủ sức khỏe và ít có khả năng làm việc nhà thường xuyên.
"Làm việc nhà có thể là bài tập thể dục tốt cho não và tim mạch, nhưng không nên đưa ra bất kỳ kết luận về công dụng với sức khỏe của người cao tuổi, từ nghiên cứu này", ông Gill nói.
Charlie Foster, giáo sư về hoạt động thể chất và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Bristol, Anh, cảnh báo cần thận trọng với kết luận của nhóm nghiên cứu Singapore. Ông cho rằng nghiên cứu chỉ dựa trên mức độ tự báo cáo công việc của từng tình nguyện viên, điều này có thể không chính xác. Chưa kể nhiều yếu tố khác gây ảnh hưởng kết quả nghiên cứu.
"Tôi nghi ngờ việc yêu cầu mọi người tích cực làm việc nhà không phải là cách thúc đẩy hoạt động thể chất", giáo sư Charlie nói thêm.
Minh Phương (Theo Guardian)