Câu chuyện, kinh nghiệm tôi chia sẻ đa phần hướng tới việc khuyến khích các bạn trang bị cho mình tâm thế tận lực trước khi nghĩ đến việc được công ty đáp trả bằng hoặc hơn những gì họ lấy từ sức lao động của nhân viên.
Những thông điệp như thế được tôi rút ra từ quá trình làm việc của mình, ở cả công ty tốt và công ty chưa tốt.
Không ít bạn cảm ơn tôi, cũng nhiều người bày tỏ tiếc nuối "giá như tôi đã nghĩ được như vậy trước kia", thậm chí có bạn nhắn tin khoe được tăng lương, lên chức vì đã chịu thay đổi góc nhìn theo hướng tích cực hơn. Tôi tự thấy vui lây.
Nhưng niềm vui không trọn vẹn khi có một tỷ lệ tương đối cao chỉ trích thông điệp này, thậm chí nặng lời. Tôi tự hỏi điều gì khiến các bạn không đồng ý rằng: đi làm là nên cống hiến trước rồi sự tưởng thưởng sẽ (đương nhiên) tìm đến sau đó? Là do các bạn không muốn, hay do các bạn đã làm như thế nhưng không có kết quả giống như những lần chia sẻ của tôi? Hay các bạn thậm chí chưa thử lần nào mà đã dọn sẵn cho mình tư thế phòng thân, "không bung sức" khi bước chân vào thị trường lao động?
Tôi cố gắng tìm ra câu trả lời bằng cách đọc kỹ từng trao đổi. Từ những chuỗi bình luận của các bạn dành cho nhau, tôi phát hiện ra một điều thú vị, rằng nhiều bạn đã ít nhất một lần bị tổn thương bởi các công ty trong quá khứ và điều đó đẩy các bạn đến tư thế "phòng bị", cống hiến dè dặt, vì cống hiến càng nhiều càng dễ bị tổn thương.
Những tình huống mà tôi tưởng rất ít người mắc phải, lại diễn ra khá phổ biến, dần vét cạn niềm tin của các lao động trẻ: công ty không (chịu) ký hợp đồng lao động, không có bất cứ ràng buộc hợp pháp nào giữa hai bên, dẫn đến người lao động nhận tất cả thiệt thòi về mình khi nghỉ việc; công ty hứa, nhưng không thực hiện, chẳng hạn như lương tháng 13, thưởng cuối năm; thậm chí tệ hơn, không thực hiện nghĩa vụ đơn giản nhất của người sử dụng lao động là trả lương đúng và đủ...
Đó đều là những vấn đề nhức nhối mà nhiều bạn đang phải chịu đựng, vì lẽ kiến thức luật chưa đủ vững để đấu tranh, hoặc không dám đấu tranh do biết mình "cửa dưới" cần việc.
Thấy vậy và hiểu vậy, tôi đã không còn chút buồn nào với những phản biện nhẹ có, nặng lời có, thậm chí đôi khi xúc phạm. Nỗi buồn chuyển thành câu hỏi vĩ mô hơn "sao các công ty lại cho phép mình đối xử với người lao động tệ đến vậy?".
Theo nghiên cứu của Trường Quản lý MIT Sloan (Mỹ), một nhân viên tin tưởng lãnh đạo của mình nói riêng và công ty nói chung sẽ tăng 260% mức độ cống hiến - một con số rất cao nhưng hoàn toàn hợp lý, theo quan điểm của riêng tôi, và rộng hơn, là những gì tôi quan sát thấy. Thú vị hơn, theo nghiên cứu này thì có khoảng 25% nhân viên không tin tưởng lãnh đạo hoặc công ty của họ. Nhưng nghịch lý là đa phần công ty cho rằng họ không có vấn đề gì với niềm tin của nhân viên.
Có ít nhất hai ý nghĩ được rút ra. Thứ nhất, đây không phải là vấn đề chỉ của riêng Việt Nam. Và thứ hai, nếu công ty không biết niềm tin của nhân viên đang lung lay, thì chắc chắn họ sẽ không có giải pháp. Nghĩa là niềm tin sẽ vẫn bị xói mòn, và bức tranh tận lòng cống hiến sẽ còn rất lâu mới được vẽ xong.
Bức tranh này chắc chắn phải là sản phẩm đồng tác giả.
Để đạt được sự tận hiến từ người lao động, những công ty, ở phạm trù cơ bản nhất phải thực hiện được những việc không cần phải hứa với nhân viên là ký hợp đồng khi đến lúc, là trả lương đúng và đủ khi đến ngày. Xa hơn nữa là những chương trình hành động gắn kết, chia sẻ hiệu quả kinh doanh, đảm bảo phúc lợi cho nhân viên. Đừng để những tính toán thiệt hơn không đáng xói mòn niềm tin người lao động, dẫn đến hiệu suất kém và cả hai phải chịu đựng nhau, kéo ghìm thành tích đi xuống, trong khi cả hai vẫn nghĩ "như thế này là đúng cho tôi".
Còn người lao động, hãy cố gắng trang bị cho mình kiến thức luật cơ bản để không bị thiệt thòi, mất mát những điều đương nhiên mình phải có. Nếu vì lí do nào đó những quyền lợi này không được đảm bảo thì hãy nhanh chóng tìm cho mình cơ hội khác, đúng hơn và tốt hơn để ở đó mình được bung sức, được cống hiến theo lẽ phải thế.
Tôi khuyến khích tìm kiếm những nơi xứng đáng hơn, bởi "một trăm kẻ đục cũng có chục người trong", đừng vì niềm tin bị tổn hại ở một công ty này mà đưa mình về thế phòng thủ với tất cả những công ty còn lại. Tìm một ông chủ xứng đáng để cống hiến hết mình, làm việc cầm chừng sẽ thui chột năng lực của bạn.
Tôi vẫn tin rằng, các ông chủ giỏi giang sẽ không dại dột phí phạm những người lao động bung sức và tận hiến.
Trần Hùng Thiện