Hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh chuyên sâu, ông Grant Trew còn là tác giả nhiều đầu sách nổi tiếng "nằm lòng" của người học tiếng Anh nhiều nơi như Anh Quốc, Trung Đông, Đông Nam Á, Nhật Bản,...
Năm 2006, quyết định rời Anh và chọn Việt Nam làm điểm đến, đảm nhiệm vai trò cố vấn và kiểm duyệt nội dung sách tiếng Anh tại Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát (DTP), "ông giáo Tây" đang hiện thực hóa tâm huyết đưa văn hoá Việt vào những trang sách giáo khoa tiếng Anh.
- Tại sao ông nhận vai trò cố vấn và kiểm duyệt nội dung sách tiếng Anh tại một tập đoàn giáo dục Việt Nam?
- Năm 2006, trong vai trò giám đốc dự án của Nhà xuất bản Đại học Oxford (Oxford University Press (OUP), lần đầu tiên tôi đến Việt Nam để triển khai các hội thảo đào tạo, làm việc với đội ngũ địa phương tại đây.
Lúc đó, giám đốc điều hành toàn quốc của OUP tại Việt Nam, cũng chính là người đứng đầu của DTP hiện nay đã ngỏ ý mời tôi tới Việt Nam và xây dựng đội ngũ tại đây. Tôi có cơ hội được thực hiện những điều chưa từng làm trước đó. Từng là giáo viên, nhà đào tạo, giám đốc nghiên cứu, tác giả sách, tôi đảm nhận nhiều vai trò cũng như những thử thách ngày càng tăng lên, nhưng thử thách mang tên DTP lần này khá lớn, bởi không chỉ viết sách mà còn là tạo dựng một đội ngũ chuyên biên tập, xuất bản.
Một công ty trẻ, mang đầy hoài bão, với những con người đầy nhiệt huyết đã thuyết phục tôi "say yes", và tôi phải làm nó.
- Từng làm việc tại nhiều nước và khu vực như Anh, Trung Đông, Đông Nam Á, Nhật Bản... ông nhận thấy những điểm tương đồng và khác biệt nào của sách giáo khoa tại Việt Nam?
- Về cơ bản, sách giáo khoa phản ánh đặc thù về đất nước và đối tượng người đọc. Hầu hết sách nước ngoài mà chúng ta thấy trên thị trường hiện nay đến từ Anh, Mỹ hoặc Châu Âu. Do đó, trong nhiều trường hợp, chức năng của các sách này được thiết kế có sự khác biệt. Đơn cử, ở các trường học ở Anh hoặc Mỹ, các lớp học thường có quy mô nhỏ, được trang bị nhiều thiết bị như màn hình tương tác, máy tính, máy photocopy, nội dung được thiết kế mang tính tương tác, giao tiếp, thảo luận nhiều hơn.
Ở Việt Nam, các lớp học có sĩ số lớn, không thuận tiện để học sinh thực hiện các hoạt động, và giáo viên phải chuẩn bị nhiều tài liệu, bài tập photocopy. Đó là lý do mà người đứng đầu DTP muốn tôi sang Việt Nam, bởi ông ấy hiểu rõ thị trường, muốn đáp ứng những gì mà giáo dục đang cần là những bộ sách, tài liệu thực sự "hiểu" thực trạng của người dạy và học, như quy mô lớp học, đối tượng đọc và quan trọng hơn hết là thực trạng và văn hóa bản địa.
- Tại DTP, đâu là những tiêu chí quan trọng nhất trong quy trình biên soạn, kiểm duyệt sách?
- Một cuốn sách giáo khoa ra đời cần bắt nguồn từ nhu cầu của giáo viên và học sinh. Do vậy, cần trả lời được các câu hỏi rằng sách sẽ được sử dụng như thế nào, trong trường hợp nào, cho trình độ nào, phù hợp với lớp học quy mô ra sao,...
Sau đó cần phải làm rõ 2 thứ quan trọng, đầu tiên là xây khung nội dung dựa trên yêu cầu của những người sử dụng, như người dạy muốn truyền tải nội dung gì, đâu là vấn đề trọng tâm, cũng như dựa trên sự nghiên cứu, thấu hiểu quá trình hấp thụ ngôn ngữ tự nhiên. Chúng tôi cũng có những tiêu chuẩn dựa trên khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung Châu Âu (CEFR) để thiết kế chương trình phù hợp với từng trình độ.
Thêm vào đó là quy trình thiết kế giao diện cho sách và cho từng bài học để biến chúng trở nên hấp dẫn hơn.
Bước tiếp theo mà tôi cho là trọng tâm của quy trình làm sách, chính là nhận phản hồi từ thị trường để tiếp tục hoàn thiện sách để đưa sản phẩm chất lượng, phù hợp nhất tới tay giáo viên và học sinh, phụ huynh.
- Như ông chia sẻ, sách giáo khoa phản ánh đặc thù về đất nước, nghĩa là truyền tải yếu tố văn hóa bản địa tới học sinh. Ông đã cụ thể hóa điều này vào nội dung sách giáo khoa như thế nào?
- Trước hết, việc thấu hiểu văn hoá rất quan trọng khi bạn đi du lịch hay làm việc, trò chuyện với người nước ngoài. Nếu nói sai, thông điệp truyền tải có thể bị hiểu lầm bởi những khác biệt về văn hoá. Đó là lý do trong sách ngoại ngữ của DTP, chúng tôi cố gắng giới thiệu những tình huống, ngữ cảnh làm nổi bật rõ nét khác biệt của văn hoá phương Tây. Đội ngũ tác giả là người bản địa sẽ cố gắng xây dựng các tình huống, văn cảnh, sau đó nhóm viết sách người Việt sẽ xem xét, lựa chọn chi tiết này có hay gây nhầm lẫn, hoặc tạo nên sự khác biệt văn hoá thú vị hay không?
Ở góc độ khác, không chỉ để tìm hiểu về văn hoá phương Tây, tôi tin rằng sách còn dạy người học cách giới thiệu, giải thích chính truyền thống văn hoá, lịch sử của đất nước mình. Khi tôi lần đầu đến Việt Nam, có rất nhiều thứ lạ lẫm xung quanh khiến tôi phải hỏi bạn bè, đồng nghiệp: "Đây là gì?", "Tại sao người ta làm vậy?", và họ nói rất khó để giải thích bằng tiếng Anh. Đó là lý do chúng tôi luôn muốn những cuốn sách của mình cung cấp cho người học từ vựng, đặt trong các tình huống cụ thể, để họ diễn đạt, giới thiệu về chính đặc trưng của đất nước mình.
- Có ý kiến cho rằng sách ngoại ngữ của Việt Nam còn nặng lý thuyết, thiếu thực hành, giải pháp của ông ở DTP là gì?
- Nói về học ngoại ngữ, gần như các nước ở châu Á, thường tập trung vào ngữ pháp, mà ít đi tính tương tác, giao tiếp thực tế. Giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang nghiên cứu, xây dựng chương trình sách với 12 cấp bậc, từ lớp 1 đến lớp 12, một lộ trình dài và đầy thách thức. Kế hoạch của tôi cho học sinh lớp 12 ở Việt Nam, là khi đến bậc học này, các em sẽ được trang bị, sẵn sàng cho kỳ thi IELTS, có thể đạt khoảng 5.5.
Thứ hai, chúng tôi muốn trang bị cho các em sự tự tin khi thuyết trình, đưa ra ý kiến, phản biện, xuyên suốt 12 năm học. Bắt đầu với bậc tiểu học, sách sẽ áp dụng phương pháp mô phỏng, nhập vai để các em luyện tập, tiếp đến bậc trung học, các em sẽ có cơ hội thảo luận, mở rộng cuộc trò chuyện, biết cách thể hiện quan điểm đồng ý hay không đồng ý. Bằng cách đi từng bước, các em sẽ có thời gian tích luỹ, để quá trình này ngấm dần qua từng năm. Khi tới lớp 12, các em có thể tự tin thuyết trình, nhập vai. Việc bố trí cách giảng dạy cũng trở nên dễ dàng hơn với giáo viên.
- Internet, smartphone... được xem là phương tiện hỗ trợ tối đa người học lĩnh hội kiến thức. Vai trò của sách nói chung theo thời gian với ông có sự thay đổi như thế nào?
- Ngày nay, chúng ta có nhiều công cụ hỗ trợ cho việc học, như có rất nhiều ứng dụng trên điện thoại rất hay để học từ vựng... Nhưng với tôi, sách vẫn là giải pháp dễ dàng và phù hợp nhất cho lớp học trực tiếp. Dù trong tương lai, công nghệ có thể phát triển, chiếm lĩnh mọi mặt của đời sống, thì người học vẫn cần tương tác ngoài đời thực, trò chuyện trực tiếp, học qua ngôn ngữ cơ thể, quan sát biểu cảm trên gương mặt... để tiến bộ.
- Ông có dự đoán gì về xu hướng, tương lai của giáo dục?
Tôi nghĩ trong tương lai, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi, bao gồm giáo dục. Trong tương lai, chúng ta có thể sẽ có những lớp học ảo, nơi mọi người có thể tham gia các hoạt động cùng nhau, chơi trò chơi, tương tác như thật. Người dạy có thể quan sát biểu cảm của học sinh để xem họ đang mệt, đói, hay cảm thấy buồn chán hay không. Hoặc khi bài học liên quan đến một địa danh nổi tiếng ở Việt Nam, chúng ta có thể đến nơi đó, được tái hiện bởi không gian ảo.
- Kế hoạch của ông trong thời gian tới?
-Tôi và đội ngũ tại DTP đang trong tiến trình hoàn thiện bộ sách "Tiếng Anh i-Learn Smart Start" và "Tiếng Anh i-Learn Smart World" – bộ sách giáo khoa tiếng Anh liên thông 12 cấp độ. Cũng như tổ chức "Hội thảo về phương pháp giảng dạy Series sách giáo khoa i-Learn Smart Start (Cấp tiểu học), i-Learn Smart World (cấp THCS & THPT)" trong tháng 5 tới. Trải qua hơn 2 năm đại dịch, chúng tôi có cơ hội để thích ứng, thay đổi linh hoạt, đổi mới, tôi nghĩ đó là lợi thế lớn của DTP. Bên cạnh đó, chúng tôi đang nghiên cứu để ứng dụng công nghệ số hiệu quả. Dù dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát, việc học từ xa được áp dụng rộng rãi, nhưng theo tôi lĩnh vực này vẫn nhiều tiềm năng để khai phá. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và khám phá cách ứng dụng tốt nhất và hiệu quả nhất công nghệ số trong việc dạy và học.
Nội dung: Phạm Vân - Thiết kế: Thái Hưng.