Nếu gặp Bruce Wilcox trên phố, bạn dễ nhận ra ông bởi ngoại hình khác biệt, vóc dáng cao lớn đậm chất Mỹ cùng nụ cười luôn thường trực trên môi. Với bất cứ người Việt Nam nào vô tình gặp, vị khách cũng luôn thân thiện và sẽ đáp lại ngay khi được bắt chuyện.
Gần 60 năm sống tại Mỹ, ở cái tuổi ai cũng cho là “xế chiều”, ông bắt đầu chuyến phiêu lưu mới, tới miền đất xa xôi chưa từng đặt chân đến một lần trong đời. Chỉ biết Việt Nam qua sách báo và những thông tin từ thời thơ ấu về các cuộc chiến tranh khi còn là một cậu bé, dải đất hình chữ S trong lòng vị khách Mỹ là thế giới mới, đầy những điều thú vị nhưng cũng rất hiểm nguy.
“Đi bộ trên vỉa hè có an toàn không? Có khi nào mình bị ám sát hay bắn chết ngay trên phố? Người Việt Nam có còn giận dữ với người Mỹ vì đã gây ra chiến tranh không?”, hàng loạt câu hỏi cứ xoay vần trong đầu Bruce từ khi định đi Việt Nam. Cuối cùng, quyết “liều một phen”, người đàn ông này xách vali lên máy bay và đến nay, chưa khi nào hối tiếc về chuyến đi đó.
Hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, thủ đô Hà Nội đón vị khách Mỹ trong ánh nắng nhẹ của ngày đầu hè tháng 5/2012. Bầu trời xanh ngắt, gió mơn man và những con phố tấp nập với đủ loại xe máy, ô tô đan vào nhau như mắc cửi làm ông thích thú ngắm nhìn suốt cả buổi.
Dạo bước trên vỉa hè, Bruce như không tin vào mắt mình trước sự cởi mở, thân thiện của dân địa phương. Với vóc dáng trên 1m8, chiếc mũi cao đặc trưng phương Tây và nụ cười luôn thường trực, “hầu như ai cũng tò mò khi nhìn thấy tôi ngoài phố, họ còn mời mua hàng với rất nhiều món đồ, trong đó có cả thức ăn”, ông kể.
Những lo ngại từ quê nhà dường như tan biến mỗi khi ai đó mỉm cười hay chủ động bắt chuyện với ông. Ấn tượng nhất trong lòng vị khách là lúc ngồi nghỉ ở ghế đá hồ Gươm, một chàng trai trẻ đột nhiên đến bên mở lời trò chuyện bằng tiếng Anh.
Bruce kể: cậu ấy vẫn đang đi học, không có nhiều tiền để tới trung tâm luyện tiếng Anh nên thường ra hồ Gươm nói chuyện với người nước ngoài. “Người Việt trẻ đúng là có tinh thần học tập rất cao và khá chủ động, khác hẳn với suy nghĩ ban đầu của tôi”, ông nhận xét.
Hiện là kế toán trưởng tại tại SAS Institute, công ty số một thế giới về văn hóa và môi trường làm việc, Bruce nhận thấy Việt Nam rất tiềm năng, “giống như thiếu niên tuổi teen hay một thanh niên mới 25 xuân xanh với tương lai xán lạn”. Cảm nhận này hoàn toàn khác so với khi ở Mỹ, nơi vốn là điểm đến mơ ước của nhiều người nhưng lại bị ông mô tả là “một người giàu có đang già cỗi”.
Ở Hà Nội, một ngày lý tưởng của Bruce là được thức dậy giữa tiếng còi xe ầm ĩ, âm thanh náo nhiệt từ người buôn kẻ bán, học sinh đến trường, người lớn đi làm. Cảm giác nắng mới bắt đầu hắt bóng xuống mọi nẻo phố cổ cùng mùi thức ăn thơm lừng từ quán điểm tâm ven đường luôn làm ông xao xuyến, phấn khích một cách khó tả.
Giống một người dân bản địa bình thường, vị khách hình dung mình sẽ bắt đầu ngày mới bằng bát phở nghi ngút khói, sau đó thực hiện công việc mơ ước của ông là đến trường dạy học và cuối cùng là khám phá mọi ngóc ngách thành phố sau khi tan sở.
Đi dọc phố cổ, trò chuyện cùng bất cứ ai mỉm cười với ông, ngắm nghía hàng hóa qua cửa kính, dành nhiều giờ ngồi nghỉ trong quán cà phê ưa thích như Puku, Little Hanoi hay Bar Betta là những thú vui khiến Bruce thư giãn đến mức “chỉ muốn mãi mãi ở Hà Nội”.
Dù dành nhiều tình cảm ưu ái thành phố này đến vậy, ông vẫn cho rằng thủ đô Việt Nam nên có một số thay đổi, trong đó chất lượng đường xá phải được quan tâm nhiều hơn và cần xử lý triệt để vấn đề rác thải trên phố. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ mong ước Hà Nội luôn giữ vẻ cổ kính, yên bình vốn có thay vì sự đô thị hóa với những công trình, phong cách đậm chất phương Tây.
Trần Hằng