Theo nội dung bạn trình bày thì ông bà nội bạn mất năm 1984. Thời điểm ông bà nội bạn mất chính là thời điểm mở thừa kế. Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
Như vậy, với quy định nói trên, ông bà nội bạn đã mất được 40 năm thì về nguyên tắc đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế. Di sản thừa kế ông bà nội bạn để lại thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
Do đã hết thời hiệu chia thừa kế, di chúc mà người bác của bạn đưa ra (dù thật hay giả) không còn giá trị pháp lý trong việc xác lập quyền thừa kế.
Với việc xác định di chúc là thật hay giả trong các trường hợp thông thường thì có thể xem xét ở các trường hợp dưới đây:
Trường hợp di chúc được xác định là thật, không cần phải chứng minh. Theo quy định tại tiết a khoản 1 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự, những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được tòa án thừa nhận thì không phải chứng minh. Quy định này có nghĩa nếu di chúc mà người bác của bạn đưa ra đều được mọi người thừa nhận đó là di chúc của ông bà nội bạn để lại và được tòa án thừa nhận thì được xác định là di chúc thật.
Trường hợp có nghi ngờ di chúc là giả hoặc nghi ngờ bị người khác sửa chữa, gạch xóa..., đương sự có quyền yêu cầu tòa án trưng cầu giám định. Để có cơ sở giám định thì cần có mẫu so sánh về chữ viết, chữ ký của người để lại di sản trong khoảng thời gian di chúc được lập.
Trường hợp kết luận giám định khẳng định tài liệu cần giám định không cùng một người viết, người ký với mẫu so sánh thì có thể được xác định là giả. Với trường hợp bị sửa chữa, gạch xóa thì sẽ giám định chất liệu mực của phần bị gạch xóa, sửa chữa so với phần không bị sửa chữa, gạch xóa.
Trường hợp giám định kết luận không cùng chất liệu mực thì có thể khẳng định phần gạch xóa, sửa chữa không do người khác thực hiện.
Bên cạnh sử dụng kết quả giám định làm căn cứ xác định di chúc thật, giả thì tòa án còn sử dụng các tài liệu, chứng cứ khác để giải quyết vụ án như tài liệu y tế, hồ sơ bệnh án (thể hiện tại thời điểm lập di chúc thì người lập di chúc đã không còn khả năng nhận thức và điều khiển hành vi như ở trạng thái mất trí nhớ, hôn mê); tài liệu chứng minh đương sự đang ở nước ngoài mà di chúc lại được lập tại Việt Nam; lời khai của các nhân chứng (nếu có)....
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội