Là cha mẹ của trẻ, đồng thời là con của các bậc ông bà, bạn đương nhiên không muốn con hư, cũng không muốn là đứa con hỗn láo với bố mẹ. Do đó, theo các chuyên gia tâm lý, có những cách sau đây bạn có thể làm.
Trung thực với những thách thức của bạn
Tất cả chúng ta đều muốn điều tốt nhất cho con trẻ, vì vậy, nên giúp bố mẹ hoặc bố mẹ chồng của bạn hiểu rõ hơn về những vấn đề mà họ có thể vô tình tạo ra.
Ví dụ, nên chia sẻ với bố mẹ để họ hiểu rằng trẻ con ăn quá nhiều đường hoặc tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong một thời gian nhất định có thể khiến chúng khó ngủ.
Cùng ông bà đồng hành trong việc đưa ra các giải pháp
Bạn không thể nào cấm ông bà yêu cháu, vì thế, hãy quên đi việc ngăn cấm họ chiều cháu. Nói những lời như "Ông bà không được làm như vậy", "Ông bà không hiểu gì cả"... không mang lại lợi ích, trái lại, còn khiến tình cảm gia đình sứt mẻ. Nên trao đổi với họ một cách kiên nhẫn, vì việc này đòi hỏi cần một quá trình chứ không chỉ là cuộc trò chuyện một lần. Hãy dỗ dành để ông bà nuôi dạy cháu theo cách bạn muốn. Nên kéo ông bà đồng hành với mình trong việc dạy dỗ con bằng cách trao quyền cho họ giám sát các quy định mà bạn thiết lập.
Đừng để bị thao túng
Khi bạn nói không với con của mình, lũ trẻ có thể sẽ tìm đến ông bà để có được sự hậu thuẫn, với mục tiêu được làm điều chúng muốn. Tuy nhiên, đừng thỏa hiệp chỉ vì ngại đối đầu với ông bà. Nên nhẹ nhàng thuyết phục ông bà nhìn nhận khía cạnh câu chuyện của bạn và đề nghị họ tôn trọng quyền hạn của bạn, với tư cách là bố mẹ.
Tốt hơn, bạn có thể để ông bà tự trao đổi lại với trẻ rằng cha mẹ đã nói 'không' với đề nghị của chúng, như thế, trẻ không có lý do gì để phàn nàn thêm.
Chủ động lựa chọn cuộc chiến
Không phải trận đối đầu nào cũng cần "chiến" và không phải tình huống nào bạn cũng cần phải quá cứng nhắc. Ông bà có thể chiều chuộng cháu bằng nhiều cách, từ việc liên tục mua đồ chơi cho cháu, cho cháu ăn đồ ngọt hay xem iPad quá nhiều... Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc xem liệu sự yêu chiều có đáng để tranh cãi hay không, nhất là khi ông bà thi thoảng mới gặp đứa trẻ. Đôi khi, bạn cần phải linh hoạt một chút. Miễn là họ tôn trọng những quy tắc quan trọng nhất của bạn, thì tốt nhất bạn nên thoáng một chút.
Đồng ý với các giải pháp thay thế
Thay vì cướp đi cơ hội nuông chiều cháu của ông bà, hãy nghĩ ra những cách hữu ích để họ có thể vẫn dành cho cháu những điều đặc biệt và ý nghĩa. Ví dụ, thay vì đồ chơi đắt tiền, ông bà có thể tạo một tài khoản tiết kiệm cho con bạn hoặc có thể tài trợ cho các lớp học bơi hoặc múa của chúng.
Bạn cũng có thể để ông bà và lũ trẻ có nhiều thời gian bên nhau, cho ông bà cơ hội mua đồ cho con bạn như sách vở, quần áo, giày dép...
Hãy cứng rắn
Nếu các biện pháp khéo léo không mang lại hiệu quả, bạn cần phải cho ông bà thấy hậu quả của việc họ đã nuông chiều trẻ. Ví dụ, bạn cho họ thấy việc ông bà để trẻ thức khuya khiến chúng có tiết học không hiệu quả, ăn kẹo khiến chúng sâu răng...
Tuy nhiên, bạn cũng cần nói năng chừng mực, đừng nặng lời với ông bà khi có lũ trẻ ở đó.
Hãy để trẻ được chăm sóc theo cách của ông bà
Mặc dù bạn không muốn làm hư con nhưng nuôi dưỡng bọn trẻ với tư tưởng rằng mỗi nhà có những quy tắc khác nhau hoàn toàn là một ý tưởng lành mạnh. Nếu con sang nhà ông bà chơi, hãy để ông bà được chăm chút chúng theo cách của họ. Hãy hiểu rằng không phải lúc nào trẻ cũng ở đó, và khi ở nhà với bạn, chúng hoàn toàn tuân thủ những quy định bạn đưa ra.
Thùy Linh (Theo Asianone)