Tháng trước chồng đưa cho tôi hơn 100 triệu đồng, nói là vừa trúng vài tờ vé số giải nhất. Lúc đó tôi rất vui, reo hò, chẳng mảy may nghi ngờ chồng.
Nhưng tuần trước, khi về nhà bố mẹ chồng ăn cơm, mẹ anh ấy nói rằng anh ấy đã "biếu bố mẹ 100 triệu trong tổng số hơn một tỷ đồng trúng số". Khi về nhà tôi hỏi lại chồng, anh ấy thừa nhận, song nhất định không đưa thêm tiền cho tôi. Chồng tôi cáu, bảo "đây là tiền riêng" của anh ấy, tôi không có quyền đòi hỏi.
Xin hỏi, theo quy định pháp luật thì tiền chồng tôi trúng số có được xem là tài sản riêng của anh ấy, hay là tài sản chung của hai vợ chồng? Tôi phải dựa trên căn cứ nào để anh ấy chấp nhận đưa tiền trên để lo cho cuộc sống gia đình, con cái?
Độc giả Huyền Linh
Luật sư tư vấn
Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm:
- Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ trường hợp khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
- Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước.
- Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khoản thu nhập hợp pháp là tiền trúng vé số của chồng bạn trong thời kỳ hôn nhân được xem là tài sản chung của vợ chồng. Theo Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
Cần lưu ý thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản và phải được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng, hoặc theo quy định của pháp luật, vì đây sẽ là căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích của mỗi bên khi có tranh chấp phát sinh.
Bên cạnh đó, thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được quy định tại Điều 39 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
- Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
- Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.
- Trong trường hợp tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.
- Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Ngoài ra, khi thỏa thuận chia tài sản chung cần lưu ý những trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu sau đây:
- Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ: nuôi dưỡng, cấp dưỡng; bồi thường thiệt hại; thanh toán khi bị tòa án tuyên bố phá sản; trả nợ cho cá nhân, tổ chức; nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, vợ chồng hoàn toàn có thể thực hiện việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, cần lưu ý các quy định của pháp luật về vấn đề này, đồng thời thực hiện việc chia tài sản một cách rõ ràng, nghiêm túc để tránh những tranh chấp không đáng có sau này.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV TA PHA