Theo Brightside, có những cách bạn nên áp dụng để tìm lại sự bình yên trong tâm hồn.
Tạm ngừng sử dụng mạng xã hội
Đa số các bài đăng trên mạng xã hội là nhằm mục đích tạo sự chú ý và ít có giá trị thực tế. Bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm ra góc chụp, tư thế và ánh sáng hoàn hảo. Trong mọi trường hợp, mạng xã hội biến bạn thành một người khao khát được người lạ chấp thuận.
Một người tìm kiếm sự chấp thuận với lòng tự trọng thấp có thể chỉ dám đăng những bức ảnh dàn dựng do một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp. Họ ăn mặc "lồng lộn", dùng tới nhiều app chỉnh ảnh và lựa chọn kỹ lưỡng trang phục chỉ để đăng một bức ảnh với chú thích: "Tôi ở nhà, chán quá".
Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng buộc chúng ta phải từ bỏ quyền riêng tư của mình để có được các lượt "Like".
Giải pháp tốt nhất là hãy chia tay mạng xã hội trong một thời gian ngắn. Bằng cách này, bạn sẽ có thể hiểu những gì mình thực sự cần và cách bạn muốn sống trong cuộc sống của mình. Hãy tận hưởng những giây phút bên người thân yêu và gần gũi nhất mà không cần phải chứng minh điều gì.
Đừng so sánh mình với người khác
Đây là cái bẫy lớn nhất mà tất cả chúng ta đều từng rơi vào ít nhất một lần trong đời. Theo lý thuyết, con người có xu hướng so sánh và luôn luôn tìm kiếm cái tốt hơn. Sẽ thật tốt khi có thể ngừng so sánh, và nếu đây là điều duy nhất mà tâm trí bạn hướng tới thì đó chắc chắn là vấn đề.
Chúng ta đánh mất chính mình khi bắt đầu so sánh giá trị, thành tích của bản thân với người khác. Một khi bị cuốn vào vòng luẩn quẩn đó, bạn sẽ cảm thấy chán nản và vô giá trị. Tất cả những khoảnh khắc hạnh phúc của bạn không còn tuyệt vời nữa và mọi thứ bạn đạt được đều bị giảm tối đa giá trị.
Cách tốt nhất để ngừng so sánh bản thân với người khác là tìm ra điều khiến bạn cảm thấy không an toàn. Khi nó đã được xác định, bạn sẽ ổn thôi.
Làm mọi việc với sự siêng năng và nhiệt thành
Mặt tích cực của việc so sánh là chúng có thể giúp mỗi người hoàn thiện bản thân. Hãy lấy sự so sánh làm động lực, thôi thúc bạn làm việc chăm chỉ, nhiệt huyết. Càng có nhiều thời gian nhàn rỗi, bạn càng có nhiều suy nghĩ ngớ ngẩn, khiến những vấn đề không quan trọng xâm nhập vào cuộc sống của bạn. Thật dễ dàng để bắt đầu quan tâm đến những gì người khác nghĩ về bạn, khi bản thân bạn không có việc gì tốt hơn để làm.
Nên tập trung vào những thứ mà bạn yêu thích, cho dù đó là nấu ăn hay chơi guitar. Làm việc chăm chỉ và hiệu quả giúp nâng cao lòng tự trọng của bạn và loại bỏ nhu cầu tìm kiếm sự chấp thuận.
Tự đưa ra quyết định
Nếu bạn là người luôn tìm kiếm sự chấp thuận, bạn có thể có xu hướng đặt ý kiến của người khác lên hàng đầu. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng hầu hết mọi người không chắc chắn về cuộc sống của chính họ, chứ đừng nói đến cuộc sống của bạn. Thông thường, bạn sợ mối quan hệ bị hủy hoại, thế nên bạn thường có xu hướng cho người khác quyền quyết định thay mình.
Tuy nhiên, hãy hiểu rằng bạn bè hoặc gia đình dù là những người tuyệt vời nhưng vẫn không biết rõ về cuộc sống của bạn như chính bạn. Vì vậy, lần tới, trước khi bạn chuẩn bị hỏi ý kiến của ai đó, hãy cố gắng lắng nghe trái tim và lý trí của bạn mách bảo trước.
Chấp nhận sự từ chối
Một trong những lý do chúng ta luôn tìm kiếm sự chấp thuận chính là sợ bị từ chối. Đó là lý do tại sao bạn luôn bao biện cho những hành vi không thể chấp nhận được của người khác. Bạn biết rằng để được yêu mến và chấp nhận, bạn luôn phải tuân thủ những kỳ vọng nhất định. Một khi ngừng làm điều đó, bạn sẽ bị quay lưng, và cảm giác đó hoàn toàn không vui vẻ chút nào.
Nhưng bạn cần nhận ra rằng không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng rất nhiều người không thể hiểu được nó. Vậy thì, nên bắt đầu với một vài điều nhỏ trước, ví dụ như từ chối đi đâu đó nếu bạn không muốn và đề xuất một địa điểm khác. Ban đầu việc này sẽ khó, nhưng theo thời gian thì mọi thứ sẽ ổn thôi.
Chơi trò chơi 'Điều gì xảy ra nếu... '.
Mọi thứ trong tâm trí chúng ta thường đáng sợ hơn so với thực tế. Điều đó tức là, bạn nên sử dụng tất cả trí tưởng tượng của mình và nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. "Điều gì sẽ xảy ra nếu anh ta vứt bỏ tôi?" - "Tôi sẽ ở một mình" - "Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chỉ có một mình?" - "Tôi sẽ rất đau lòng" - "Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi đau lòng" - "Tôi sẽ tiếp tục sống nhưng không có cô ấy".
Những điều tồi tệ nhất mà chúng ta tưởng tượng thường không xảy ra. Đây được gọi là "cơ chế bảo vệ" mà tất cả chúng ta đều có. Vì vậy, hãy thử trò chơi này khi bạn cảm thấy không chắc chắn và xem điều gì sẽ xảy ra.
Thùy Linh (Theo Brightside)