Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Do đó, pháp luật không cho phép một cá nhân thu thập, tiếp cận thông tin của người khác khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin dưới bất kỳ hình thức nào, dù cho người bị thu thập, tiếp cận thông tin có đang chấp hành án phạt tù không?
Theo thông tin bạn cung cấp, năm 2016, một người đã lừa đảo của bạn số tiền hơn 2 tỷ đồng và bị tòa án tuyên phạt 9 năm tù, song bạn chưa được nhận số tiền bồi thường. Nghĩa là người bị kết án chưa hoàn thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bạn.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật và phán quyết của tòa án, ngoài việc người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật thì người này còn phải có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt.
Trong trường hợp người phải chấp hành án phạt tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không trả lại tài sản cho người bị hại thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền căn cứ vào bản án để chủ động ra quyết định thi hành án và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án yêu cầu trả lại tiền, tài sản cho đương sự.
Trường hợp thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định thi hành án, bạn có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án gửi đến cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.
Lưu ý:
- Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án thì thời hạn 5 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án thi hành theo định kỳ thì thời hạn 5 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
- Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.
- Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Tóm lại, nếu chưa nhận được tiền bồi thường và việc thi hành án vẫn còn thời hạn yêu cầu thì bạn có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án gửi đến cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện (nơi người bị kết án cư trú) để yêu cầu giải quyết.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội