Lúc nhỏ cháu rất hoạt bát, bạo dạn và thông minh, thuộc nhớ nhanh những gì bé học hỏi và quan sát. Tôi không biết dưới đây có phải là những nguyên nhân ảnh hưởng đến cháu hay không?
- Mọi người trong gia đình (ông bà nội, ba mẹ, cô của cháu ) đều yêu quý cháu, nâng niu cháu và rất tự hào là cháu thông minh.
- Lúc nhỏ cháu ngủ thức giấc 4,5 lần trong đêm, mãi đến 3 tuổi cháu mới ngủ thẳng giấc.
- Vì sợ mất con, tôi thỉnh thoảng bảo bé phải cảnh giác với người lạ, đặc biệt là đến rước cháu ở nhà trẻ vì có thể họ sẽ bắt cóc cháu, bắt cháu đi bán. Cháu rất sợ nên đi đâu không dám xa cha mẹ.
- Thỉnh thoảng tôi có la rầy và đánh đòn cháu khi cháu hư nên cháu rất ngoan.
Rất mong toà soạn tư vấn giúp tôi nên làm thế nào? Hoặc giới thiệu cho tôi một địa chỉ tư vấn ở Vũng Tàu?
Trả lời:
Một số trẻ em lúc 2-4 tuổi tỏ ra hoạt bát nhanh nhẹn, ghi nhớ tốt, thông minh… nhưng càng lớn, càng tỏ ra nhút nhát, thiếu tự tin, điều này là biểu hiện bình thường của hiện tượng “tài năng giảm dần” hay “thoái lùi” vẫn thường xảy ra do những tiềm năng của trẻ xuất hiện lúc 2-4 tuổi không được liên tục khơi gợi, củng cố, không được khuyên khích nên khó định hình, không phát triển hoặc dần mất đi.
Để khắc phục tình trạng này, phụ huynh cần có kế hoạch giao và khuyến khích trẻ thực hiện những nhiệm vụ/bài tập /trò chơi phát triển trí tuệ, rèn kỹ năng, trong đó đòi hỏi trẻ phải tích cực khám phá, liên tục trải nghiệm và giầu tương tác với nhóm bạn cùng tuổi, với người lớn. Rất tiếc là chị ở khá xa nên chúng tôi không thể tư vấn trực tiếp, cũng không biết rõ địa chỉ nào đáng tin cậy ở Vũng Tàu để giới thiệu chị tới tư vấn. Tuy nhiên có thể mách chị vài phương pháp sau:
- Các bài tập/tình huống như tập phân loại sự vật, hiện tượng theo đặc điểm, thuộc tính, suy luận logic, phát hiện các mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng (có ở các sách giáo dục phát triển trí tuệ cho trẻ 5-8 tuổi thường có bán ở các hiệu sách)
- Cùng trẻ vẽ tranh và cùng kể chuyện sáng tạo dựa trên bức vẽ chung đó…, là những cách rất tốt có thể giúp cải thiện tình hình.
Ngoài ra, thay vì thất vọng chê bai trẻ, hãy tỏ ra tin tưởng, khuyến khích động viên mỗi khi trẻ làm tốt một điều gì đó, khuyến khích trẻ tham gia càng nhiều càng tốt vào làm giúp mẹ các việc vặt trong nhà, tạo cơ hội để mẹ con cùng trò chuyện, từ đó biết trẻ thiếu hụt gì và cần gì để hỗ trợ. Chúc chị thành công.
PGS.TS. Nguyễn Công Khanh, chuyên gia trường Mầm Non Hoàng Gia (Equest Group), 343 Đội Cấn Hà Nội , tel: 04 762 4788