- Ngành kiểm lâm đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng nhưng thực tế nạn phá rừng vẫn ngày càng nghiêm trọng. Vì sao vậy?
- Tôi thừa nhận rằng ngành kiểm lâm chưa làm hết trách nhiệm, xử lý đối tượng vi phạm chưa nghiêm minh. Chính những nguyên nhân này khiến lâm tặc lộng hành hơn, nạn chặt phá rừng không những không được ngăn chặn hiệu quả mà còn gia tăng. Tuy nhiên, tôi xin nói là nếu ngành kiểm lâm đơn thương độc mã thì công tác bảo vệ rừng khó đạt hiệu quả. Cần phải có sự ủng hộ của chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác.
Thực tế hiện nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp kiểm lâm bắt được đối tượng vi phạm và chuyển sang cơ quan chức năng xử lý, nhưng vụ việc sau đó bị làm giảm tính nghiêm trọng. Có vụ phá rừng chúng tôi đề nghị truy tố nhưng không được vì cơ quan pháp luật không đồng ý. Không ít trường hợp kiểm lâm bị cản trở, tác động, hay nói rõ hơn là lâm tặc được một số cá nhân bao che. Tôi không muốn nêu tên địa phương hay vụ việc cụ thể.
- Có ý kiến cho rằng chính cán bộ kiểm lâm tiếp tay trong một số vụ phá rừng. Ông bình luận thế nào?
- Phải thừa nhận là có hiện tượng buông lỏng, thậm chí làm ngơ ở một bộ phận cán bộ kiểm lâm. Mộ số cán bộ kiểm lâm thoái hóa bị chúng tôi phát hiện, xử lý. Có người phải đi tù, có người ra khỏi ngành. Nhưng có một thực tế là cuộc đối đầu giữa kiểm lâm và lâm tặc rất căng thẳng. Nhiều kẻ sẵn sàng dùng vũ khí chống trả kiểm lâm. Do vậy anh nào không thật sự dũng cảm thì cũng dễ làm ngơ, bỏ qua.
- Tại sao các vụ việc phá rừng được phát hiện ngày càng nhiều mà xử lý được ít, hoặc không lôi ra được kẻ chủ mưu?
- Số vụ phá rừng được đưa ra xử lý hình sự còn quá ít so với số trường hợp bị khởi tố (chiếm chưa tới 30%), và chủ yếu là việc đơn giản. Còn những vụ án lớn, vẫn chưa làm đến nơi đến chốn. Và ngay cả những vụ “làm đến nơi đến chốn” thì kẻ vi phạm cũng được xử lý nhẹ, hầu hết là án treo, nặng hơn thì 3-4 tháng tù. Xử lý chưa nghiêm minh, không có tính răn de khiến lâm tặc, kẻ chủ mưu xem thường lâm luật, xem thường lực lượng kiểm lâm.
Cũng có những vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra trong rừng sâu, nên khi kiểm lâm đến thì đối tượng đã bỏ trốn. Không bắt được kẻ trực tiếp phá rừng thì làm sao nói đến kẻ chủ mưu. Mà có bắt được lâm tặc cũng vẫn khó tìm được kẻ cầm đầu. Bởi thời gian điều tra thường kéo dài, kẻ chủ mưu kịp xóa sạch dấu vết. Nhiều vụ án bị “thối” do ngâm quá lâu.
- Hiện tượng săn bắt, buôn bán và kinh doanh động vật hoang dã cũng đang diễn ra tràn lan và công khai. Ngành kiểm lâm sẽ có biện pháp gì?
- Thú thật là bản thân ngành cũng có những khó khăn mà tôi không tiện nêu ra. Có nhiều vụ buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã được kiểm lâm địa phương phát hiện nhưng lại không xử lý được vì “vướng”. Tới đây chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, chỉ đạo các đơn vị kiểm lâm ở địa phương dẹp cho được các cơ sở buôn bán, nhà hàng kinh doanh động vật hoang dã.
- Ngành sẽ làm gì để xóa bỏ tình trạng sau những đợt ra quân rầm rộ, mọi thứ lại đâu hoàn đấy?
- Tình trạng ấy đúng là có xảy ra. Nhưng lần này Chính phủ đã chỉ đạo chính quyền địa phương phải tham gia tích cực, ủng hộ kiểm lâm hơn. Đây chính là thời cơ của ngành, giúp chúng tôi có điều kiện làm kiên quyết hơn, thường xuyên hơn. Tôi cam đoan thời gian tới ngành kiểm lâm không để xảy ra chuyện “đầu voi đuôi chuột” nữa.
(Theo Tuổi Trẻ)