
Nhiều khu vực thuộc rừng phòng hộ sông Lò đã bị lâm tặc tàn phá thời gian vừa qua. Ảnh: Lam Sơn.
Cách trung tâm xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh chỉ 10 km, nhưng đường vào bản Nà Đang ngập bùn đất, đi lại rất khó khăn. Cư dân ở đây chủ yếu là người Thái, sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Thấy bóng người lạ vào bản, một số thanh niên dáng vẻ bặm trợn liền bám theo với ánh mắt dò xét.
Theo phản ánh của người dân, nhiều tháng nay, rừng Nà Đang đã bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc. Nhiều cây gỗ có tuổi đời hàng chục năm bị đốn hạ tập trung ở lô 10, dốc ông Viện, Mè Giàng, Lán Cháy... Gỗ bị chặt chủ yếu là táu, sến, vàng cương, mỡ...
Tại khu rừng Lán Cháy, nhiều cây gỗ lớn người ôm không xuể vừa bị đốn hạ còn tứa nhựa đỏ. Khu Mè Giàng cũng trong tình cảnh tương tự, nhiều cây gỗ bị cưa, chặt nằm ngổn ngang ven vạt rừng và sườn dốc... Chỉ một khoảnh nhỏ tại tiểu khu 374, hàng chục cây gỗ lớn bị cưa đổ chỉ còn trơ gốc, trong đó có khoảng 10 cây en, 2 cây táu và 2 cây dẻ, mỗi cây có chu vi từ 1,2 đến 1,4 mét. Toàn bộ số thân gỗ đã được lâm tặc chuyển khỏi hiện trường.
Anh Quách Văn Thái, một thanh niên bản Nà Đang cho biết, lâm tặc thường sử dụng cưa xăng đốn gỗ nên tốc độ tàn phá rất nhanh. Chúng thường lựa các loại gỗ quý, thân to để đốn, sau đó cắt ra thành nhiều khúc rồi dùng xe máy vận chuyển theo đường mòn. Để tránh bị phát hiện, lâm tặc thường vận chuyển về đêm và đi theo từng nhóm từ 5 đến 6 người để dễ đối phó với lực lượng chức năng.
“Thời gian qua, rừng Nà Đang náo động. Đã có hàng trăm cây gỗ lớn nhỏ bị đốn hạ…”, anh Thái nói và biết gần trung tâm bản Nà Đang, các thân gỗ tròn xếp tràn lan khắp nơi choán cả lối đi.

Những gốc cây còn tứa mủ bị đốn hạ chưa kịp chuyển đi nằm vương vãi ven rừng. Ảnh: Lam Sơn.
Ông Nguyễn Duy Vĩnh, Hạt trưởng kiểm lâm huyện Lang Chánh thừa nhận, tình trạng khai thác lâm sản trái phép ở Nà Đang là có thật và diễn ra từ cuối năm 2013 đến đầu 2014.
“Cuối năm 2013, có những địa điểm hàng chục m3 khối gỗ bị chặt hạ, khi kiểm lâm phát hiện thì lâm tặc bỏ trốn. Toàn bộ số gỗ này, nằm dưới một con khe trên đường vào Nà Đang, Hạt không thể mang về xử lý vì đường đi lại rất khó khăn. Chúng tôi muốn thuê người dân địa phương bốc vác, vận chuyển nhưng họ đều từ chối vì lo sợ các đối tượng lâm tặc phát hiện trả thù”, ông Vĩnh nói.
Theo ông Vĩnh, nạn phá rừng đã được báo cáo cấp trên, xin ý kiến chỉ đạo. “Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với ngành chức năng địa phương để xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng”.
Tuy nhiên, người dân địa phương lại cho rằng tình trạng phá rừng phòng hộ ở bản Nà Đang do một số cán bộ Trạm bảo vệ rừng, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Lò chưa làm tốt phận sự.
Cụ thể tháng 12/2013, khi phát hiện tại dốc ông Viện có nhiều cây gỗ bị chặt phá, người dân đã báo với cán bộ chốt bảo vệ tại xã Lâm Phú, nhưng vụ việc không được xử lý. Chỉ đến khi người dân báo về Hạt kiểm lâm huyện Lang Chánh, lực lượng chức năng mới vào cuộc. Tuy nhiên, theo người dân, biên bản kiểm tra không thể hiện đúng số lượng và khối lượng những cây gỗ bị chặt phá.

Hàng chục khúc gỗ được tập kết ra bìa rừng gần bản Nà Đang. Ảnh: Lam Sơn.
“Lâm tặc hoạt động liên tục thời gian qua, có lúc chúng ngang nhiên dùng cưa xăng đốn hạ hàng chục cây gỗ ngay sát đường ôtô và gần chốt bảo vệ rừng mà không bị phát hiện là điều vô lý”, ông Vi Văn Thiện (bản Nà Đang) thắc mắc.
Người phát ngôn Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa Lê Quốc Việt cho biết, đang khẩn trương xác minh tình trạng phá rừng phòng hộ sông Lò và khẳng định sẽ xử lý nghiêm vụ việc.
“Địa phương, đơn vị nào để xảy ra phá rừng thì hạt trưởng phải chịu trách nhiệm. Bất cứ đơn vị, cá nhân hay tổ chức nào làm sai, tiếp tay cho lâm tặc, cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý bảo vệ rừng đều bị xử lý nghiêm. Chúng tôi kiên quyết không bao che, bất kể là ai, sai sót đến đâu sẽ xử lý đến đó”, ông Việt khẳng định.
Cũng theo ông Việt, do lực lượng kiểm lâm địa bàn khá mỏng lại quản lý diện tích rừng lớn nên để xảy ra hiện tượng phá rừng trái phép có lúc, có nơi là điều không tránh khỏi.

Trung tâm bản Nà Đang ngổn ngang gỗ tập kết. Ảnh: Lam Sơn.
Tỉnh Thanh Hóa có khoảng 629.000 ha rừng nằm chủ yếu ở 11 huyện miền núi phía tây. Rừng phòng hộ sông Lò nằm trên địa bàn hai huyện Quan Sơn và Lang Chánh với tổng diện tích 10.427 ha, riêng xã Lâm Phú (Lang Chánh) chiếm gần 1/3 diện tích với khoảng 2.875 ha. |
* Tên người dân trong bài đã được thay đổi.
Lam Sơn - Hà Trung