Chiều 13/11, tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc kéo dài 2 giờ nhằm tìm tiếng nói chung cho việc di dời Trạm Quản lý và bảo vệ rừng Cà Nhông, phân định lại địa giới khu vực rừng giáp ranh giữa hai địa phương. Cuộc họp diễn ra sau sự việc kiểm lâm phát hiện hơn 40 m3 gỗ kiền kiền thuộc nhóm II trong rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa hồi đầu tháng 10 vừa qua. Đã có 7 kiểm lâm của Đà Nẵng bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Vấn đề được hai bên đề cập trước hết là việc di dời Trạm Cà Nhông (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Đà Nẵng). Trạm này, nằm trên xã Tư (huyện Đông Giang, Quảng Nam) vốn được lập lên từ năm 1988 khi Đà Nẵng và Quảng Nam chưa chia tách tỉnh. Ông Trần Viết Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Đà Nẵng khẳng định 26 năm qua trạm Cà Nhông đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ rừng đặc dụng, dù cuộc sống kiểm lâm ở đây vô cùng thiếu thốn. Tuy nhiên, Quảng Nam đã đề nghị thì Đà Nẵng sẽ di dời và đang tìm vị trí phù hợp.
Cuộc họp "nóng" khi ông Nguyễn Bằng, Bí thư huyện Đông Giang nói rằng việc Quảng Nam kiên quyết di dời Trạm Cà Nhông là bởi việc ngăn chặn lâm tặc của trạm này không hiệu quả. Có lần cơ quan chức năng Đông Giang truy quét, lâm tặc còn trú nhờ ở Trạm Cà Nhông. Gỗ được vận chuyển trên đường độc đạo qua trạm và điểm tập kết gỗ cách trạm vài trăm mét. "May mắn là chưa làm đường, chứ làm rồi thì không cách nào giữ nổi rừng", ông nói.
"Chúng tôi sẽ phá con đường này khi Trạm Cà Nhông được chuyển đi. Nếu Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và Ban quản lý rừng sông Nam (Quảng Nam) không kiểm tra tốt thì sẽ không còn rừng đặc dụng", ông Bằng khẳng định.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn cho rằng Trạm Cà Nhông ở vị trí như hiện nay là "nguyên nhân của mọi nguyên nhân", dẫn đến tình trạng khai thác lậu vàng, khoáng sản, lâm sản. "Thông cảm với kiểm lâm là lực lượng quá mỏng, nhưng làm việc phải có trách nhiệm. Bây giờ vào mùa mưa rồi, lâm tặc đang chờ nước sông lên để vận chuyển gỗ về xuôi. Người dân tố cáo thì bị lâm tặc dằn mặt. Phải chấn chỉnh ngay, không để mất rừng quốc gia, mất niềm tin của dân được", ông Toàn nhấn mạnh.
Một nguyên nhân khác khiến lâm tặc lộng hành, theo Bí thư huyện Đông Giang Nguyễn Bằng là việc Đà Nẵng giao hơn 6,5 ha đất cho 4 hộ cán bộ, nhân viên của lâm trường Sông Nam vào năm 2005 sai quy định. Các hộ này lại giao đất cho hai hộ dân khác, lấn sang rừng của Quảng Nam. "Và hai hộ dân này đang tiếp tay cho việc phá rừng, cung cấp lương thực, xăng dầu cho lâm tặc. Bây giờ quy trách nhiệm Nhà nước thì ai sai phải chịu, nhưng như thế không tình nghĩa giữa hai địa phương", ông Bằng nói.
Ông Bằng khiến chính Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng Phùng Tấn Viết bất ngờ khi đưa ra chứng cứ Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa Phạm Ngọc Sự đã ký giấy cho phép hai hộ dân trồng cao su trên rừng đầu nguồn của Quảng Nam, trong khi quy định chỉ được trồng cây keo. Khi được mời lên giải trình, ông Sự có ý đổ qua cho đại diện huyện Hòa Vang thì lập tức bị ông này phản ứng: "Ông trả lời đi chứ, có đuổi được hai hộ dân này đi hay không? Đất đã giao cho ông rồi giờ lại đổ cho tôi?". Còn ông Phùng Tấn Viết nói với ông Sự rằng: "Ông vượt quyền chủ tịch rồi đấy".
Kết thúc buổi làm việc, ông Phùng Tấn Viết giao Sở Nông nghiệp Đà Nẵng trước ngày 30/12 phải xử lý kỷ luật việc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa giao đất sai quy định. 6,5 ha khai thác trồng cao su do liên quan đến Quảng Nam, nên bàn giao nguyên trạng đất cho Quảng Nam quản lý về mặt Nhà nước, tức là bàn giao đúng ranh giới giữa hai địa phương. "Việc cắm mốc trước đây coi như là quá khứ rồi, nên bỏ qua. Bây giờ các ban ngành liên quan của Đà Nẵng có trách nhiệm phối hợp với Quảng Nam để đo đạc lại, hoàn thành việc cắm mốc trong quý I/2015", ông Viết nói.
Ông Viết nói, Trạm Cà Nhông sẽ được di dời về đất của Đà Nẵng để quản lý lâu dài, vị trí cụ thể sẽ công bố sau nhưng dứt điểm trước 30/6/2015. Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo huyện Hòa Vang giám sát các xã Hòa Khương, Hòa Phú và Hòa Bắc, kiểm tra kỹ những trường hợp người dân xâm lấn diện tích rừng, hoặc bị Quảng Nam đẩy đuổi chạy qua bên Đà Nẵng. Hai phó chủ tịch UBND Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ cùng vào rừng đi thực địa để thống nhất cách quản lý và xử lý dứt điểm những tồn đọng ở khu vực rừng giáp ranh.
Nguyễn Đông