![]() |
H4 tích tắc trở lại sau hơn 1 thập kỷ. |
Nhân Tuần Khoa học đang diễn ra tại Anh, người ta đã lên giây chiếc đồng hồ bỏ túi này tại một triển lãm đặc biệt ở Đài quan sát Hoàng gia và Bảo tàng Hàng hải Quốc gia ở Greenwich, London. Nó chạy nhanh hơn bình thường một chút (mỗi giây, nó kêu tích tắc 5 lần). Người ta đặt nó bên cạnh những chiếc đồng hồ "có tính cách mạng" khác của Harrison, gồm H1, H2 và H3. Sự kiện cả 4 chiếc đồng hồ này cùng chạy có lẽ sẽ không lặp lại trong một thời gian dài trước mắt.
Vấn đề kinh độ
Vào thế kỷ 18, "vấn đề kinh độ" - làm thế nào để biết một con tàu đã đi về phía đông hoặc phía tây bao xa so với cảng xuất phát - là chuyện làm những người đi biển đau đầu nhất. Galileo Galilei, Jean Dominique Cassini, Isaac Newton, và Edmond Halley đều đã thử tìm đáp án cho bài toán hóc búa này, nhưng không một ai trong số họ thành công. Tất cả đều nghĩ rằng câu trả lời nằm trong “chiếc đồng hồ” của vũ trụ, trong việc lập bản đồ các vì sao.
![]() |
John Harrison đã phải đấu tranh để thuyết phục mọi người tin vào phát minh của mình. |
Nhưng John Harrison lại tin rằng có thể tìm ra câu trả lời nhờ các máy móc cơ khí. Sau 40 năm làm việc, vào năm 1764, ông đã chứng minh rằng có thể dùng một chiếc đồng hồ để định vị một con tàu trên biển với độ chính xác phi thường.
Kinh độ là khoảng cách góc về phía đông hoặc về phía tây, tính từ đường kinh tuyến chuẩn, chẳng hạn Greenwich, tới một đường kinh tuyến bất kỳ trên trái đất. Trên bản đồ địa cầu, đường kinh tuyến chạy dài từ cực Bắc xuống cực Nam, hội tụ nhau tại hai đầu trái đất. Khả năng xác định kinh độ là điều sống còn với bất cứ con tàu nào khi cố gắng vượt qua đại dương mênh mông. Vì nếu bỏ qua phép toán này, họ chỉ có thể dựa vào bản năng để tìm ra nơi cần đến.
Từ xưa, các thủy thủ đã rất chú ý đến nguyên tắc tính toán kinh độ. Họ biết rằng cứ đi về hướng đông 15 độ, thì phải cộng thêm 1 tiếng vào giờ địa phương. Tương tự như thế, nếu đi theo hướng tây, sẽ phải trừ đi một tiếng. Vì vậy, các thủy thủ hiểu rằng nếu có giờ địa phương tại hai điểm trên trái đất, họ có thể căn cứ vào sự khác biệt giữa chúng để tính ra kinh độ của con tàu.
Bằng cách quan sát mặt trời, dù ở bất cứ đâu, các thủy thủ cũng có thể tính được ra giờ địa phương. Nhưng vấn đề là họ cần một thông số nữa để đối chiếu, chẳng hạn giờ chuẩn ở Greenwich. Tuy nhiên, trong tay họ chỉ là những chiếc đồng hồ quả lắc, mà do vận động của biển, khó có thể hy vọng chúng sẽ chạy chính xác.
Một thiên tài đơn độc
Nhu cầu chế tạo ra những chiếc đồng hồ có độ chính xác cao đã ám ảnh John Harrison. Từ năm 1730 đến năm 1759, ông đã chế ra một loạt đồng hồ, H1, H2 và H3. Tất cả chúng đều là những chiếc đồng hồ lớn với cơ cấu cân bằng đặc biệt, có thể triệt tiêu các dao động của sóng biển. Chúng chính xác, nhưng vẫn chưa đủ để tính toán kinh độ.
Vì thế, Harrison đã thay đổi căn bản thiết kế của mình và cho ra đời H4, tương tự như một chiếc đồng hồ bỏ túi lớn. Đó quả là một bước đột phá. Trong 6 tuần, H4 chỉ chạy sai 5 giây. Độ chính xác này cao gấp 3 lần so với yêu cầu để đoạt giải thưởng 20.000 bảng, do Ủy ban Kinh độ Anh đưa ra thời đó.
Tuy nhiên, ở thời điểm mà Harrison công bố kết quả của mình, tất cả mọi người nghĩ rằng ông đã hóa điên, vì theo họ, việc dùng đồng hồ để xác định kinh độ là không tưởng. Và nếu có đúng, thì cũng là do chiếc đồng hồ hoặc chính Harrison may mắn mà thôi.
Phải đến năm 1772, khi Harrison đã thành một ông già 79 tuổi, phát minh của ông mới được người đời thừa nhận. Cùng lúc ấy, thuyền trưởng Cook đã lên đường trong hành trình thám hiểm thứ hai, mang theo một bản sao của H4, cái mà ông xem như "hoa tiêu trung thành trong suốt hành trình thăng trầm vạn dặm".
B.H. (theo BBC)