Mẹ sinh em chưa đầy tháng thì bệnh, cả hai tay đều bị liệt, có thể đi được nhưng chân rất yếu, hay bị té. Có thể do mẹ bệnh tật mà nhà nội không thương. Năm em 10 tuổi, anh trai vào Sài Gòn học, ông nội và cô không cho mẹ ở cùng nữa, ba thì không nói tiếng nào để bảo vệ vợ con. Mẹ xin nhà ngoại cho mẹ dựng cái quán nhỏ gần đó để mẹ và em có chỗ ở, ba vẫn ở nhà nội.
Khoảng thời gian đó đối với mẹ thật sự rất khó khăn, sức khỏe không có, ba không ở bên giúp đỡ mà còn hay uống rượu đến tận khuya làm mẹ phải lo lắng thêm, em còn nhỏ, rồi mẹ còn phải lo cho anh đi học xa. Khuya nào mẹ cũng thức cầu nguyện cho mọi việc, dựa vào tâm linh mà hy vọng, rồi khóc một mình sau khi em đã ngủ. Anh trai nếu về thì ở tạm nhà của dì. Sức khỏe không bình thường như mọi người nên mẹ chỉ nhờ cái quán bán tạp hóa nhỏ và bán thuê số đề cho người ta để có tiền trang trải qua ngày và nuôi 2 con. Cứ thế mà 7 năm trôi qua
Năm em học 12, anh trở thành giáo viên và vẫn ở nhà dì. Không có tiền nhưng mẹ lại nhất quyết cất nhà. Anh làm giáo viên, em cũng lớn rồi và sắp đi học xa mà chưa có nhà, đó là lý do của mẹ. Mẹ cất nhà từ tiền vay mượn và chỉ mình mẹ lo toan. Hiện giờ ở tuổi 60, mẹ vẫn phải cố gắng trả nợ.
Em sống gần gũi với mẹ từ nhỏ nên rất thương mẹ vì chứng kiến những gì mẹ phải chịu đựng và đã trải qua. Mẹ sức khỏe yếu, ba ít quan tâm, mẹ lại ngại 2 đứa con đều là con trai nên không nhờ giúp gì cho bản thân mà cố gắng tự làm. Lúc nhỏ em thường ước có chị gái để đỡ đần cho mẹ.
Cuối năm 2009, anh em lấy vợ cũng là giáo viên. Mẹ lại phải mất ngủ nhiều đêm để lo toan cho con trai cưới vợ, phải mượn tiền để lo sính lễ. Mẹ không có con gái, nên mẹ rất vui khi anh lấy vợ. Năm 2012, chị sinh cháu gái, ba mẹ vui lắm, vì ai cũng thích trẻ nhỏ. Cả ngày mẹ ở trên quán bán, chiều về nhà chơi với cháu.
Cách đây 4 tháng, anh chị đưa cháu đi về nhà ngoại chơi, đến gần 21h về, mẹ nói bữa khác đi chơi nên về sớm vì cháu nhỏ đi tối không tốt. Chị dâu không tin vào tâm linh nên nghe vậy lại giận mẹ. Mẹ tin chuyện tâm linh nhưng chỉ nói, chứ không ép chị tin hay tỏ thái độ không tốt với chị. Có thể còn nhiều việc khó chịu với mẹ nữa mà 4 tháng nay chị tránh mặt mẹ, không nói chuyện với mẹ một câu, mẹ ăn uống gì chị cũng không quan tâm. Anh trai không nói tiếng nào để làm cầu nối cho mẹ và chị. Cùng ở một nhà mà không nói chuyện, mẹ thấy khó quá nên mới nói ba và anh chị ngồi chung để nói chuyện, nhưng ba không tham gia, anh cũng không nói được câu nào để cải thiện tình hình. Chị nói với mẹ rằng không hợp nhau, có nói chuyện cũng vậy và đồng thời nói chị muốn ra ở riêng.
Em thấy cùng ở chung nhà mà chị không nói chuyện với mẹ thì khó chấp nhận quá. Mẹ muốn em cứ hỏi chuyện chị bình thường cho anh vui, đừng để tâm quá, mẹ nói chỉ có 2 anh em thôi nên không muốn 2 con không thuận thảo. Với lại giờ mẹ được thấy cháu gái là vui rồi, không muốn gì hơn.
Bây giờ em không biết làm sao, em muốn về nói rõ vấn đề này nhưng nếu không hay thì tình cảm anh em không còn như xưa nữa, có thể chị lại quyết định ra ở riêng thì niềm vui ở bên cháu gái với mẹ không còn. Tuy nhiên, nếu để tình trạng này kéo dài, ở nhà mẹ cứ phải sống lầm lũi như vậy sao? Mong chuyên viên tâm lý cho em vài lời khuyên. Cảm ơn chuyên viên! (Vinh)
Trả lời:
Chào bạn,
Cuộc đời khó có ai giống nhau, người xưa nói “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” cũng là vậy. Tạo hóa sinh ra con người sống được là do cá thể sống nhưng đời sống của con người thì quá lệ thuộc vào nhau, nhất là tình cảm. Nếu tình cảm về nhau tốt thì “yêu nhau chín bỏ làm mười”, trái lại “ghét nhau thì chuyện bé xé thành to”.
Câu chuyện của bạn thật đáng phục về người mẹ hơn bất cứ gì khác. May mắn việc làm ăn của mẹ bạn nuôi được hai anh em, và cha bạn vẫn gắn liền với cuộc đời với mẹ con bạn, đấy là hạnh phúc ít ai có được. Tuy nhiên, bạn cũng hiểu người bị khiếm khuyết về thể chất dễ có tính bất thường do cơ thể sinh ra làm cho tâm thế mệt mỏi và khó chịu, từ đó bộc lộ thành thái độ, cách ứng xử… khiến người khác có thể cảm thấy “bị xúc phạm” hoặc “khó hiểu”; trong khi đó người có thể chất yếu, khiếm khuyết luôn tự cảm thấy “người ta xúc phạm mình”. Đây là tình trạng tâm lý rất rõ ở con người.
Bạn là con thì mọi ứng xử của mẹ đều có lý. Chị dâu bạn không từng trong năm tháng khó khăn cùng mẹ bạn; chị ấy lại sinh ra và lớn lên trong một gia đình hoàn toàn khác thì làm sao hiểu mà thông cảm với mẹ bạn. Đây là vấn đề khó thứ hai.
Anh của bạn ở giữa chịu áp lực hai bên, bên là vợ con, bên mẹ. Anh của bạn lại thoát ly khá sớm nên không hiểu hết mẹ mình, hoặc có hiểu mẹ nhưng thiếu năng lực thuyết phục để vợ nghe theo. Đây là cái khó thứ ba.
Ba bạn biết mẹ bạn thế nào nên ông cũng chịu đựng và có thể có chút thờ ơ, nhưng ông vẫn chung thủy thì phải nói là tốt. Tuy nhiên, nếu mẹ bạn kéo ông vào cuộc không có hồi kết thúc thì theo ông là thôi. Đây là cái khó thứ tư.
Với 4 cái khó đấy, bây giờ bạn chỉ đứng về phía mẹ bạn thì không thể thay đổi. Bạn phải tâm sự với cha để xem cha khổ thế nào, tâm sự với anh để hiểu cái khó của anh, gần gũi với chị dâu để chị nói ra, "nếu chị không nói được với mẹ thì chị có thể nói với em". Người ta luôn có nhu cầu để nói, nhưng nói cái gì, nói thế nào để người kia không bắt bẻ là vấn đề khó của người không nói. Mẹ bạn nói ra dễ hơn vì với cương vị người lớn, mẹ chồng, trong khi chị bạn là con dâu không có vị thế để nói. Rồi bạn phải xem lại tình cảm của mình với mẹ có thiên vị không, và xem mình lo được gì cho mẹ hơn là chê trách người này người kia.
Câu chuyện của bạn khó trong những câu chuyện khó, nhưng nếu biết cách thì từ khó trở thành dễ; trái lại, từ khó này lại xuất hiện cái khó khác và cứ thế đẩy mình vào bế tắc. Thông minh tức là tìm ra cái nút của bó rối để gỡ từ từ đúng nơi đúng chỗ, đúng mối rối đầu tiên, thứ hai, thứ ba, thứ tư như đã trao đổi ở trên.
Chúc bạn thành công.
GS.TS Vũ Gia Hiền
Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục TP HCM