Thứ sáu, 17/5/2024
Chủ nhật, 16/10/2022, 00:00 (GMT+7)

Làm sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị

TP HCMHơn chục năm nay, vào ngày cuối tuần, giáo viên trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10) tập trung làm sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh.

Chiều thứ sáu hàng tuần, tại phòng thiết bị thư viện trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10), hơn 30 giáo viên của trường tập trung tại đây làm sách nổi. Mỗi người một công việc như đánh máy, dàn trang, dán hình, in ấn... Công việc này được nhà trường làm từ lâu, tập trung nhất vào dịp hè.

"Do chương trình giáo dục mới nên các em chưa có nhiều tài liệu, thầy cô phải chuyển đổi sách giáo khoa thông thường sang dạng chữ nổi cho các em học sinh lớp 3, 7, 10 theo kịp", hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Huệ cho biết.

Tại một phòng khác, giáo viên Nguyễn Văn Thống chuyển từng trang bản mềm sách giáo khoa từ chữ sáng (word) sang chữ nổi (braille) trước khi đem đi in bằng máy chuyên dụng.

"Nhờ có phần mềm chuyển đổi nên công việc nhanh hơn. Tuy nhiên mọi người phải đọc lại kỹ để chỉnh lỗi. Thường gặp nhất là sai chính tả, công thức toán, lý, hoá", thầy Thống nói.

Là giáo viên dạy Toán, làm chữ nổi tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu từ năm 2012, thầy Thống thường là người truyền đạt lại kinh nghiệm cho giáo viên khác.

Với những trang sách có hình thì công việc phức tạp hơn. Giáo viên sẽ chọn hình có thể chuyển sang tài liệu chữ nổi, thiết kế qua máy tính rồi cắt và dán thành trang có ảnh kèm chữ nổi để tạo phôi, sau đó mang đi ép đóng thành cuốn sách hoàn chỉnh.

Chiều cùng ngày, nhóm giáo viên nữ cùng nhau làm các hình nổi trong sách giáo khoa sinh học lớp 10 trước khi đem đi in hàng loạt.

Cô giáo Tuyết Loan dùng thước, bút chì để định vị vị trí sẽ dán hình nổi vào trang phôi sách. "Không phải hình nào trong sách giáo khoa cũng có thể đưa vào sách nổi được hết. Chúng tôi phải chọn ảnh cần thiết nhất cho bài học hoặc hình nào mà học sinh khiếm thị sờ vào dễ dàng cảm nhận được", nữ giáo viên 40 tuổi cho biết.

Hình nổi thường xuyên phải đối chiếu để xem có chuẩn về hình dạng, vị trí với hình gốc. Chất liệu làm hình nổi thường là giấy, gỗ mỏng, tăm, chỉ... để tạo độ nhám khác nhau và chịu được nhiệt khi đem đi ép thành sách.

Trong ba tiếng làm sách, tuỳ vào tay nghề, độ phức tạp của hình mà mỗi giáo viên làm được từ 2 đến 4 trang sách nổi. Nhiều giáo viên còn mang việc này về nhà, riêng thời gian nghỉ hè thì gần như làm từ sáng đến tối, kể cả cuối tuần.

Từng trang phôi sách sau khi được gõ chữ nổi, dán hình sẽ cho vào máy in cách nhiệt để in hàng loạt.

Thầy Nguyễn Minh Hậu sử dụng loại giấy chuyên dụng để in sách. Mỗi lần in mất khoảng 5 phút để xong một trang sách có hình.

"Công việc in cần người có kinh nghiệm, biết canh nhiệt chuẩn để đảm bảo các dòng chữ, hình ảnh sẽ nổi đều", giáo viên Nguyễn Phi Hùng nói, trong lúc đối chiếu một bản in với phôi (màu trắng).

Những trang sách nổi in xong lại được giáo viên cùng học sinh kiểm tra tiếp để xem còn các lỗi như: chính tả, thiếu dấu, sai công thức, chữ nổi không đều... Theo hiệu trưởng, hiện nhà trường mới làm xong được học kỳ một của bộ sách giáo khoa các khối.

Một nhóm học sinh khối lớp 3 đang học theo chương trình mới từ bộ sách giáo khoa chữ nổi do thầy cô trong trường làm.

Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu thành lập năm 1926, với tên gọi ban đâu là trường Mù Sài Gòn. Trường hiện có hơn 300 học sinh khuyết tật, từ khối mầm non đến trung học phổ thông và dạy nghề theo hình thức giáo dục chuyên biệt. Học sinh được dạy các môn phổ thông và đặc thù cũng như học nghề và ở nội trú miễn phí.

Quỳnh Trần