Nhiều hộ gia đình sử dụng điện kế điện tử khiếu nại về độ chính xác. Ảnh: SGGP |
Trong những ngày qua, số người tiếp tục gửi đơn thư khiếu nại liên quan đến chất lượng điện kế điện tử lên các công ty điện lực ngày một nhiều. Hội bảo vệ người tiêu dùng, Sở Công Nghiệp TP HCM cũng nhận được khoảng 50 đơn yêu cầu kiểm định điện kế điện tử của nhiều hộ dân.
Trước đây, không ít lần bà Trần Thị Lữ ở đường Lãnh Binh Thăng, quận 11, TP HCM đã ca cẩm về số tiền điện trên dưới 300.000 đồng phải trả mỗi tháng. Nhìn chiếc điện kế mà gia đình bà đã sử dụng trên 7 năm, bà cho rằng vì nó quá cũ nên đo không chính xác. Khi Công ty điện lực Phú Thọ có chủ trương thay điện kế cũ bằng điện kế điện tử, bà Lữ đã phấn khởi và tin tưởng thiết bị điện tử hiện đại sẽ giúp gia đình đo chính xác số điện năng tiêu thụ hằng tháng.
Thế nhưng, từ khi lắp đặt điện kế mới, bà lại thấy hóa đơn điện nhà mình trong tháng đó đột ngột tăng gấp đôi. Nghi ngờ chiếc máy giặt vừa mua là thủ phạm, bà Lữ đã ngưng sử dụng. Thế nhưng, tình hình cũng không thay đổi gì hơn. Không chịu bó tay, bà Lữ đề ra kế hoạch tiết kiệm điện như, thay toàn bộ bóng đèn tròn bằng bóng đèn huỳnh quang, chỉ sử dụng 1 tivi ... Tuy nhiên, số tiền điện phải trả vẫn không hề giảm mà lại có dấu hiệu tăng thêm. Từ khi thay điện kế điện tử hiệu Linkton, hóa đơn tiền điện trong tháng đó đã vượt lên gần 800.000 đồng. Quá bức xúc, bà Lữ đã gọi nhân viên của công ty điện xuống xem lại nhưng chỉ nhận được câu trả lời "thiết bị này là chính xác" và bà Lữ đành bấm bụng chịu mà không còn cách nào khác.
Gia đình anh Vân ở quận Tân Phú cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Anh cho biết, kể từ lúc điện lực bắt phải thay đồng hồ điện thì số tiền phải trả hằng tháng vượt gần gấp đôi đồng hồ cũ. Gọi điện thắc mắc thì được trả lời rằng đồng hồ điện tử là chính xác tuyệt đối. "Cũng như bao nhiêu người dân khác, chúng tôi chỉ biết im lặng một cách oan uổng để đóng tiền đúng thời gian quy định, nếu không sẽ bị cúp điện", anh Vân nói.
Lượng tiêu thụ điện tăng quá cao từ khi sử dụng điện kế điện tử, khiến hàng nghìn hộ dân ở TP HCM mất ăn mất ngủ. Mặc dù có những nghi ngờ về độ chính xác của thiết bị này nhưng đa số họ đành cam chịu đóng vì nếu không thanh toán đúng thời hạn quy định sẽ bị cắt điện ngay lập tức, còn chuyện lý do như thế nào thì không cần biết. Khi đơn thư khiếu nại ngày một nhiều, công ty điện lực mới xuống xem lại và đã phát hiện có sai sót nhưng lại đưa ra cách giải quyết thiếu thực tế.
Ngày 26/1, ông Võ Tấn Sĩ, ngụ tại 254/86 Bến Vân Đồn, phường 5, quận 4, TP HCM đã gửi đơn lên Văn phòng Khiếu nại của Người tiêu dùng phía Nam để khiếu nại việc gia đình ông cùng 3 hộ khác cùng sử dụng chung một điện kế và bị Điện lực Tân Thuận bắt đóng tiền chêch lệch điện, còn dọa sẽ cắt điện một cách rất vô lý.
Theo ông Sĩ, gia đình ông cùng 3 hộ nêu trên rất nghèo khó, vì vậy phải dùng chung một điện kế, và từ trước đến nay chỉ dùng ở mức dao động 600-700 kWh/tháng. Thế nhưng từ ngày 19/11/2004, Điện lực Tân Thuận lắp đặt điện kế điện tử mới cho gia đình thì chỉ số điện năng tiêu dùng bỗng dưng tăng đột biến. Chỉ trong vòng 26 ngày mà chỉ số điện năng tiêu thụ của gia đình ông đã lên đến 2.161 kWh.
Trước thắc mắc của gia đình ông Sĩ, ngày 14/12/2004, Điện lực Tân Thuận đã tiến hành kiểm tra lại thì kết quả cho thấy sai số của điện kế nhanh +1,46%, nên đã gắn điện kế khác cho gia đình ông, tuy nhiên khi lập hóa đơn, Điện lực Tân Thuận chỉ sửa sai bằng cách trừ đi 31 kWh, còn 2.130 kWh bắt phải nộp tiền đủ. Kèm theo hóa đơn này là thư thông báo sẽ ngừng cấp điện, nếu như gia đình ông không đóng đủ số tiền tiêu thụ 2.130 kWh điện còn lại.
Ông Lương Phúc Hoè, hưu trí ở đường Lam Sơn, quận Bình Thạnh bức xúc nói với VnExpress, khi thấy tiền điện của nhà tăng liên tục từ 650.000 đồng lên trên 1 triệu đồng trong những tháng sử dụng điện kế điện tử, ông đã nhiều lần kiến nghị lên công ty. Chờ mãi mới thấy Công ty Điện lực Gia Định đến kiểm tra và phát hiện điện kế điện tử chạy nhanh quá mức cho phép. Sau đó người của công ty điện lực mới xuống thay điện kế điện tử mới cho nhà ông. Tuy nhiên, theo ông Hoè, "mức bồi hoàn 15 kWh/tháng của công ty Điện lực Gia Định đưa ra quá vô lý vì số tiền chênh lệch là hàng trăm kWh mỗi tháng".
Với cách tính giá điện theo bậc thang như hiện nay thì mức tăng thêm của 1 KWh ở bậc càng cao thì người tiêu dùng phải trả càng nhiều chi phí. Quá bức xúc nên một số hộ dân sử dụng điện kế điện tử ở quận 9 đã gửi đơn khiếu nại lên Công ty Điện lực Thủ Thiêm. Công ty đã cho người xuống kiểm tra và kết luận lỗi là do khâu nhập dữ liệu sai, không phải tại điện kế điện tử. Tuy nhiên, với mức chi trả tăng gấp đôi bình thường, nhiều hộ dân đã khiếu nại lên phòng quản lý điện năng, Sở Công nghiệp TP HCM. Cũng trong thời gian này, không đồng tình với cách làm và giải thích của các công ty điện khu vực, nhiều hộ dân ở các quận, huyện khác sử dụng loại điện kế điện tử, cũng đồng loạt lên tiếng cho rằng điện kế điện tử chạy quá nhanh.
Mặc dù đã có nhiều phản ánh từ phía người sử dụng nhưng Công ty Điện lực TP HCM vẫn tiếp tục khẳng định điện kế điện tử là chính xác. Thời điểm đó, ông Nguyễn Ngọc Hồ, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực TP HCM, khẳng định "So với điện kế cơ học, điện kế điện tử có nhiều ưu điểm như: đo đếm chính xác hơn, hạn chế tình trạng ghi chỉ số khống của nhân viên ghi điện, đọc được chỉ số điện từ xa...". Khi có sự nghi ngờ về chất lượng, công ty còn cho rằng số điện kế này nhập từ nước ngoài thông qua đấu thầu và đã qua một quy trình kiểm tra chất lượng hết sức nghiêm ngặt từ nhà sản xuất cho đến nhà thầu cung cấp. Vì vậy, sai sót rất khó xảy ra. Thậm chí, khi Sở Công nghiệp TP HCM đề nghị ngưng lắp đặt vì có nhiều đơn khiếu nại về độ chính xác, Công ty Điện lực thành phố vẫn làm ngơ và tiếp tục lắp đặt.
Tuy nhiên, kết luận của Sở Công nghiệp TP HCM lại trái ngược với Công ty Điện lực. Sở đã làm việc với Công ty Điện lực TP HCM, bước đầu kết luận việc lắp đặt và tồn tại của 260.000 điện kế điện tử là không hợp pháp. Theo Sở Công nghiệp TP HCM, Công ty Điện lực TP HCM đã vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Đo lường, không thực hiện đăng ký kiểm định theo quy định nhà nước và mẫu điện kế điện tử chưa được phê duyệt, đã vội vàng tổ chức lắp đặt.
Ngày 24/6, Bộ Công nghiệp đã có công văn yêu cầu Tổng công ty Điện lực VN chỉ đạo Công ty Điện lực TP HCM khẩn trương kiểm tra làm rõ và báo cáo cụ thể về 260.000 điện kế điện tử đã được lắp đặt ở TP HCM. Ngày 27/6, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu có chỉ thị lập đoàn kiểm tra. Trong vài ngày tới, đoàn kiểm tra của Bộ sẽ vào làm việc với Công ty Điện lực và Sở Công nghiệp TP HCM về vấn đề này.
Việt Hoà