Người gửi: Duy Tuấn
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Tôi buồn vì "Cánh đồng bất tận"
Kính gửi các bạn,
Tôi cũng đã đọc "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư, thú thật là tôi cũng không biết nên vui hay buồn nữa, đành rằng mỗi khi đọc một tác phẩm văn học thì phải thấm cho được cái hồn của tác phẩm.
Tôi từng say mê văn học từ khi còn là một cậu học trò, tôi thích các tác phẩm văn học viết về cuộc sống thực tế của xã hội nói chung, vì mỗi thời kỳ lịch sử đều có những đặc trưng riêng mà chúng ta cần biết để mở rộng kho kiến thức cho bản thân. "Vợ nhặt" , "Chị Dậu"... đã từng để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc. Văn học phản ánh xã hội chứ không phản ánh riêng một hoàn cảnh con người cụ thể, nhưng hơn 50 năm sau mà xã hội còn được phản ánh giống như trong CĐBT thì quả thật là rất buồn.
Tôi là một người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, đã qua nhiều vùng miền Trung và hiện nay đang sống tại Nam bộ, tôi thấy tác giả đã hư cấu quá nhiều khi viết tác phẩm này, ngoài ra tôi rất đồng ý với các ý kiến của bạn Thanh Huyền về CĐBT. CĐBT thật sự là một bức tranh tối màu về xã hội tại Việt Nam, tuy cuộc sống còn những khoảng tối nhưng viết để người đọc buồn và có cảm giác không lối thoát như nhân vật trong tác phẩm CĐBT thì mục đích của tác giả là gì đây? Cuộc sống ngày nay đâu đến nỗi như vậy, người ta đối xử với nhau trong CĐBT làm tôi liên tưởng tới cuộc sống bộ lạc thì đúng hơn. Nếu em gái trong tác phẩm có thực ngoài đời thì tại sao chúng ta lại không giúp cho em? Một công việc chẳng hạn? Tại sao những người phụ nữ trong CĐBT lại dễ dàng bán mình như thế? Mọi cán bộ địa phương đều là bù nhìn và chỉ biết bóc lột người dân thôi sao? Theo tôi, làm một phóng sự về những thân phận nghèo như trong CĐBT thì hợp lý hơn là một truyện ngắn.
Trân trọng,