Theo cơ quan thống kê của nước này, các chỉ số thành phần như giá lương thực đã tăng 91,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát vào tháng 5 cũng đã tăng so với tháng 4, khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 70% so với cùng kỳ 2021.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều năm, nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhiều năm qua đã từ chối cho tăng đáng kể lãi suất để hạ nhiệt tình trạng lạm phát.
Do vậy, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu và sức chi tiêu của người dân kém hơn nhiều. Tổng thống Erdogan đã chỉ thị cho ngân hàng trung ương liên tục cắt giảm lãi suất vào năm ngoái ngay cả khi lạm phát tiếp tục tăng. Các thống đốc ngân hàng trung ương bày tỏ sự phản đối đã bị sa thải. Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã có bốn thống đốc khác nhau trong hai năm, tính đến mùa xuân 2021.
Theo chiến lược của mình, ông Erdogan từng tuyên bố sẽ đưa ra một mô hình kinh tế mới, mang lại sự bùng nổ xuất khẩu nhờ đồng lira rẻ hơn, và sau đó giải quyết lạm phát bằng cách loại bỏ thâm hụt thương mại. Điều đó đã không xảy ra và hiện nay chi phí nhập khẩu năng lượng cao ngất ngưởng cần phải thanh toán bằng nhiều USD đang gây áp lực lớn lên nền kinh tế.
Các nhà phân tích kinh tế dự báo quỹ đạo lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tệ hơn. "Việc tập trung vào các biện pháp không chính thống so với chính sách tiền tệ thông thường sẽ không thể giải quyết thách thức lạm phát và chúng tôi dự đoán mức độ tỷ lệ này sẽ vượt mức 80% trong quý III/2022", Ehsan Khoman, Giám đốc nghiên cứu thị trường mới nổi khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại Ngân hàng MUFG, nhận định.
Phiên An (theo CNBC)