Số liệu Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 13/2 cho thấy CPI của Mỹ tăng 0,3% trong tháng 1 và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức 3,4% trong tháng 12.
Tuy nhiên, con số này cao hơn so với dự báo từ các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát, với kỳ vọng mức tăng tháng 1 là 0,2% và mức tăng hàng năm là 2,9%.
Số liệu CPI mới công bố ngay lập tức ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm mạnh trước lo ngại về khả năng giảm lãi suất sẽ không thể thực hiện sớm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 500 điểm vào đầu phiên giao dịch 13/2, mức giảm mạnh nhất trong gần một năm qua. S&P 500 và Nasdaq cũng giảm hơn 1%.
Thị trường tiền số cũng biến động mạnh. Bitcoin - đồng tiền số vốn hóa lớn nhất thị trường - giảm gần 3%, từ mức hơn 50.000 USD xuống 48.600 USD chỉ trong vài phút.
Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI cơ bản tăng 0,4% trong tháng 1 và tăng 3,9% so với một năm trước, không thay đổi so với tháng 12. Dự báo trước đó từ giới phân tích là 0,3% và 3,7%.
Giá nhà, chiếm khoảng 1/3 trọng số để tính toán CPI, đóng góp phần lớn mức tăng trong tháng đầu năm 2024. Chỉ số này đã tăng 0,6% trong tháng và 6% so với một năm trước.
Giá thực phẩm cũng tăng cao hơn, tăng 0,4% trong tháng. Trong khi đó, chỉ số giá năng lượng giảm 0,9%, phần lớn do giá xăng giảm 3,3%.
"Lạm phát nhìn chung đang đi đúng hướng", Lisa Sturtevant, nhà kinh tế trưởng tại Bright MLS, nhận xét. "Nhưng điều quan trọng cần nhớ là tỷ lệ lạm phát thấp hơn không có nghĩa là giá của hầu hết mọi thứ đang giảm, nó đơn giản có nghĩa là giá đang tăng chậm hơn. Người tiêu dùng vẫn đang cảm thấy khó chịu với mức giá cao hơn cho những thứ họ mua thường xuyên".
Thông tin CPI tháng 1 được công bố khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nỗ lực tìm điểm cân bằng hợp lý cho chính sách tiền tệ năm 2024. Dù thị trường kỳ vọng những đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay trong năm nay, lãnh đạo Fed vẫn thận trọng trong các tuyên bố, tập trung vào sự cần thiết của những con số và cách đánh giá, hơn là lộ trình cụ thể.
Các nhà hoạch định chính sách, gồm cả Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sức mạnh của nền kinh tế Mỹ giúp Fed có thêm thời gian để cân nhắc, vì cơ quan này không phải lo lắng về việc lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Ngay cả khi giá cả tiếp tục tăng, thu nhập hàng giờ được điều chỉnh theo lạm phát vẫn tăng 0,3% trong tháng. Tuy nhiên, nếu tính theo chu kỳ tuần, thu nhập thực tế đã giảm 0,3%. Thu nhập trung bình thực tế theo giờ tăng 1,4% so với một năm trước.
Các quan chức Fed kỳ vọng lạm phát sẽ giảm về mức mục tiêu 2%, phần lớn do kỳ vọng giá nhà ở sẽ giảm tốc trong năm. Tuy nhiên, đà tăng của giá nhà trong tháng 1 có thể là vấn đề đối với một ngân hàng trung ương đang tìm cách "hạ nhiệt" chính sách tiền tệ, vốn đã ở mức thắt chặt nhất trong hơn hai thập kỷ.
"Báo cáo CPI được nhiều người mong đợi là sự thất vọng đối với những người kỳ vọng lạm phát sẽ giảm xuống", Quincy Krosby, chiến lược gia toàn cầu tại LPL Financial, cho biết. "Nhìn chung các con số đều 'nóng' hơn dự kiến, điều này chắc chắn rằng Fed sẽ cần nhiều dữ liệu hơn trước khi bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất".
Lạm phát cơ bản, chỉ tiêu mà các quan chức Fed tin rằng là chỉ dẫn tốt hơn về các xu hướng dài hạn, thậm chí không giảm trong tháng 1 do giá nhà ở vẫn cao hơn dự đoán.
Minh Sơn (theo CNBC)