Số liệu công bố ngày 1/6 của Cục Điều tra và Thống kê Sri Lanka cho biết chỉ số giá tiêu dùng Colombo (CCPI) trong tháng 5 đã tăng 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 29,8% của tháng trước đó. Con số này cũng nhanh hơn mức dự báo 35% của các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát.
Trong các chỉ số thành phần, lạm phát lương thực tăng 57,4%, trong khi giá các mặt hàng phi thực phẩm tăng 30,6%.
Ngân hàng Trung ương Sri Lanka tháng qua giữ nguyên lãi suất và đã dự đoán lạm phát sẽ chạm mốc 40% trong bối cảnh thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu do không có USD để thanh toán cho hàng nhập khẩu.
Theo vài chuyên gia kinh tế, lạm phát trong tháng qua vẫn chưa phản ánh hết mức tăng mạnh của nhiên liệu, một trong những mặt hàng quan trọng đang khan hiếm nguồn cung trên toàn đảo quốc.
Một nhà phân tích của Đại học Johns Hopkins cho biết giá tiêu dùng tại Sri Lanka thậm chí còn tăng nhanh hơn các số liệu chính thức. Vị này cho biết lạm phát hồi tháng 3 tại đây đã ở mức 133%, tức gấp 6 lần con số công bố chính thức.
Nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu của Sri Lanka đã bị tác động bởi tình trạng thiếu ngoại tệ nghiêm trọng, dẫn đến thiếu lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết trong nhiều tháng.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền mặt khổng lồ, chính phủ hôm thứ ba (31/5) đã tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp. Riêng VAT tăng từ 8% lên 12% nhằm giúp tăng ngân sách thêm 65 tỷ rupee Sri Lanka (180,56 triệu USD).
Sri Lanka đã vỡ nợ 51 tỷ USD và đang tìm kiếm viện trợ quốc tế để vực dậy nền kinh tế, bao gồm cả từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Phiên An (theo Bloomberg, CNA)