Lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm tươi sống) của Nhật Bản trong tháng 9 lên cao nhất kể từ tháng 9/2014, với 3%. Tốc độ này nhỉnh hơn so với 2,8% trong tháng 8 và vượt mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tháng thứ 6 liên tiếp.
Số liệu này cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan mà BOJ hiện đối mặt. Họ phải kích thích nền kinh tế bằng cách duy trì lãi suất cực thấp, nhưng điều này lại khiến đồng yen yếu đi. Giá yen hiện ở mức thấp nhất 32 năm so với USD càng kéo chi phí nhập khẩu lên cao.
Áp lực tăng giá tại Nhật Bản và diễn biến của yen càng khiến thị trường tin rằng BOJ sẽ phải thay đổi lập trường nới lỏng tiền tệ trong vài tháng tới.
"Mức tăng giá cả hiện tại chủ yếu do chi phí nhập khẩu cao, hơn là nhu cầu mạnh. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda có thể duy trì chính sách này trong phần còn lại của nhiệm kỳ, tức là đến tháng 4/2023. Tuy nhiên, vấn đề là chính phủ có chấp nhận được điều đó không", Takeshi Minami – kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin cho biết.
Số liệu lạm phát đang làm tăng xác suất BOJ điều chỉnh dự báo lạm phát trong cuộc họp chính sách tuần này, các nhà phân tích cho biết. Nếu loại bỏ thêm cả giá năng lượng, lạm phát lõi của Nhật Bản tăng 1,8% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này vẫn cao hơn 1,6% của tháng 8.
Lạm phát của Nhật Bản vẫn khá khiêm tốn so với các nền kinh tế lớn khác, như Anh, Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, việc duy trì lãi suất thấp kỷ lục đang khiến chính sách của họ đi ngược lại làn sóng thắt chặt trên toàn cầu.
Hà Thu (theo Reuters)