Trong báo cáo vừa công bố, Nomura Holdings cho biết giá thực phẩm ở châu Á (trừ Nhật Bản) đã tăng 5,9% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng cao hơn đáng kể so với mức 2,7% hồi tháng 12.
Lạm phát được đánh giá sẽ tăng nhanh trong nửa cuối năm, do độ trễ khoảng 6 tháng giữa biến động giá lương thực toàn cầu và tác động của nó lên châu Á. Ngoài ra, các vấn đề như tình trạng phong toả do Covid-19 tại Trung Quốc, dịch tả lợn ở Thái Lan và các đợt nắng nóng tại Ấn Độ càng làm tăng nguy cơ lạm phát ở khu vực này.

Mức tăng giá lương thực tại các nền kinh tế châu Á. Cột đen: số liệu mới nhất, Cột xanh: dự kiến nửa cuối năm. Đồ thị: Bloomberg
"Nhận thức của người tiêu dùng về lạm phát đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi giá của các nhu yếu phẩm, đơn cử như thức ăn. Điều này có thể kéo theo lạm phát kỳ vọng leo thang", báo cáo của Nomura Holdings chỉ ra. Công ty này cũng nói thêm rằng Jakarta và Manila đã phải tăng mức lương tối thiểu để bù đắp cho chi phí sinh hoạt cao hơn.
Lạm phát đang lan rộng ra nhiều mặt hàng, từ ngũ cốc, dầu ăn sang thịt, thực phẩm chế biến và cả dịch vụ ăn uống bên ngoài. Gạo, mặt hàng đến nay vẫn giữ được giá cả ổn định nhờ lượng dự trữ dồi dào, có thể sẽ là hàng hoá tiếp theo điều chỉnh giá nếu nhu cầu tăng cao khi các nước lựa chọn thay thế cho lúa mỳ.
Đây là những dấu hiệu cảnh báo với các nước nhập khẩu thực phẩm lớn như Singapore, nơi được dự báo chứng kiến lạm phát lương thực tăng gấp đôi, đạt 8,2% trong nửa cuối năm tới. Cũng theo ước tính của Nomura, lạm phát Ấn Độ có thể sẽ đạt mức tăng mạnh nhất, lên 9,1% do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng.
Ngân hàng trung ương các nước châu Á ban đầu cam kết sẽ giải quyết các cú sốc từ phía cung. Tuy nhiên, Nomura cho biết các đợt chính sách tiếp theo sẽ khiến giới hoạch định phải đẩy nhanh tốc độ bình thường hoá chính sách tiền tệ.
Đức Minh (theo Bloomberg)