Lạm phát đang đe dọa đời sống người nghèo toàn thế giới. |
Lạm phát tháng 6 của Trung Quốc đã tăng 6,4%, mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Zhou Xiaochuan trấn an dư luận không nên phản ứng thái quá, nhưng giá cả tăng cao đang đe dọa cuộc sống của người lao động nghèo cũng như gây bất ổn cho nền kinh tế.
Tại Ấn Độ, lạm phát tăng cao cũng khiến nước này đã phải tăng lãi suất 10 lần trong vòng 16 tháng. Lạm phát tháng 5 của nước này đã tăng lên mức 9,6%, so với 8,66% trong tháng 4.
“Giá đầu vào cao, chi phí tài chính tăng, những bất ổn trên thế giới và môi trường lãi suất cao sẽ khiến cho đầu tư vào Ấn Độ sa sút”, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, ông Dilip Modi lo lắng.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ ông Duvvuri Subbarao tuyên bố ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ hiện nay là kiềm chế lạm phát chứ không phải là tăng trưởng.
Tại Brazil, khủng hoảng tín dụng đang là vấn đề đáng lo ngại khi lãi suất cho vay tiêu dùng đạt mực kỷ lục 47%.
Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và mức lãi suất thực dương quá cao khiến thị trường Brazil trở thành một một nơi đầu tư vô cùng hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà kinh tế Neil Shearing của Capital Economics ở London nhận định: “Lãi suất của Mỹ và Nhật gần 0, lãi suất ở Anh bằng 0, trong khi lãi suất ở Brazil là 12,25%. Đây chính là mấu chốt của vấn đề”.
Tại Nga, lạm phát cũng không ngừng tăng cao. Sau khủng hoảng kinh tế 2008, GDP của Nga đã giảm 8% trong 2009, lương tại hầu hết các khu vực kinh tế đều giảm còn lạm phát thì tăng vọt. Trong quý một vừa qua, lương thực tế đã giảm 2,9% do lạm phát. Trong khi đó, mức lạm phát được công bố chính thức chỉ trên 9% khiến nhiều người nghi ngờ tính chính xác của con số.
“Tôi cho rằng tỷ lệ lạm phát thực tế phải cao hơn so với các số liệu chính thức”, Sam Greene – giáo sư khoa học chính trị tại New Economic School đặt tại Maxtcơva nói.
Trong 5 năm qua, những số liệu chính thức được công bố cho thấy giá tiêu dùng tăng 62% nhưng nhiều người Nga cho rằng mức tăng còn lớn hơn nhiều.
Nhiều nơi khác trên thế giới cũng đối mặt với nguy cơ lạm phát gia tăng. Bên cạnh cuộc khủng hoảng nợ công, lạm phát là mối đe dọa không nhỏ đối với kinh tế châu Âu. Lạm phát tại 17 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu tháng 5 tăng 2,7%, vượt mục tiêu 2% mà ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu) đặt ra trong dài hạn, và chưa có dấu hiệu ngừng tăng trong bối cảnh giá dầu mỏ, lương thực và nhiều loại hàng hóa khác đang trên đà đi lên. Đáng chú ý, lạm phát tăng nhanh tại các nước Đức, Ireland, Tây Ban Nha, Italy, Luxembourg, Phần Lan, nhưng chậm lại tại Bỉ và Hy Lạp.
Anh cũng đang phải chịu nhiều cú sốc do lạm phát gây ra, thuế gián tiếp tăng, giá dầu và lương thực ngày càng cao. Trong khi đó, thu nhập của người dân lại không được cải thiện và điều này sẽ làm nền kinh tế quốc dân tăng chậm lại.
Tuyến Nguyễn tổng hợp