
- Thường thì lạm phát ở Việt Nam xuất phát từ hai nhóm nhân tố chính. Thứ nhất là những nhân tố liên quan đến tiền tệ, như chính sách tiền tệ nới lỏng, bội chi ngân sách, đầu tư không hiệu quả... Song hành đó còn có những yếu tố phi tiền tệ như hệ thống phân phối yếu kém, kiểm soát giá chưa tốt... khiến thị trường bị thao túng, đẩy giá.
Nhìn chung, diễn biến của lạm phát trong 5 năm gần đây khá thất thường, từ mức 19,9% vào năm 2008 đã xuống dưới 6,52% trong năm 2009. Đến 2010 lạm phát lại lên 11,75% và 2011 tiếp tục vọt lên 18,13%. Năm 2012 Việt Nam dự kiến kéo xuống 8% nhưng không ngờ lại xuống 6,81%.
Kết quả đó được Chính phủ đánh giá khá tốt. Và sự thành công này được cho rằng có phần quan trọng từ điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nếu nhìn lại thì sẽ thấy rằng, lạm phát giảm trong năm 2012, thực tế không chỉ do sự điều hành của chính sách tiền tệ mà có phần "đóng góp rất lớn từ mồ hôi và nước mắt" của nông dân.
- Tại sao ông lại nói lạm phát giảm trong năm qua có sự đóng góp lớn từ mồ hôi và nước mắt của nông dân?
- 68% dân số Việt Nam là nông dân, trong đó có 50% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2012, xuất khẩu ngành này đã đạt 27,5 tỷ USD (năm ngoái 25 tỷ USD).
Việt Nam là nước chuyên về nông nghiệp nên phần lớn lương thực thực phẩm...là do nông dân sản xuất ra. Trong cơ cấu tính chỉ số giá (CPI), lương thực thực phẩm cũng chiếm tỷ trọng lớn, gần 40%. Trong năm qua, giá lương thực giảm đến 5,66%. Giá thực phẩm chỉ tăng rất nhẹ 0,95%. Điều này chứng tỏ yếu tố trên đóng góp rất lớn cho sự suy giảm của lạm phát trong năm 2012.
Nhưng giá lương thực, thực phẩm giảm đã khiến người nông dân thiệt thòi. Không những thế, họ còn phải 'cõng" trên lưng rất nhiều khâu trung gian mới đưa được sản phẩm do mình sản xuất đến tay người tiêu dùng, nên giá trị thực mà họ nhận được rất ít ỏi. Chẳng hạn, một kg thịt lợn, qua nhiều tay trung gian, đến được với người tiêu dùng giá cả trăm nghìn đồng thì người nông dân chỉ được hưởng khoảng 20.000 đồng đến 30.000 đồng. Lợi nhuận rơi vào túi thương lái là chủ yếu.
Bên cạnh đó, người nông dân còn phải mua giá thức ăn gia súc, phân thuốc...ở mức giá cao và còn đối mặt với những yếu tố mang nhiều tính rủi ro như thời tiết, sâu bệnh, vật tư nông nghiệp đầu vào, lãi suất vay vốn tăng cao... Như vậy, họ là những người chịu thiệt đơn, thiệt kép.
Ngoài ra, khâu kiểm soát chưa tốt nên để xảy ra tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm tràn lan khiến nông dân không thể bán sản phẩm phải bỏ chuồng trại. Điều này dễ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung tạm thời khi nhu cầu tăng cao, tạo cơ hội cho thương lái đẩy giá. Điển hình là vụ đẩy giá trứng gà vừa qua, sẽ rất nguy hiểm nếu không có biện pháp quản lý tốt nó có thể tác động đến giá các mặt hàng khác cũng gia tăng, gây bất ổn thị trường và ảnh hưởng đến chỉ số CPI.
- Vậy theo ông trong thời gian tới cần có những giải pháp nào để ổn định giá cả hàng hóa trên thị trường và kiềm chế lạm phát?
- Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp nhưng giá lương thực thực phẩm, các loại hàng hóa khác luôn ở mức cao bất hợp lý và biến động thất thường. Đây là điều rất khó chấp nhận được. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống phân phối từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng quá kém. Hàng hóa qua nhiều khâu trung gian và thường bị đẩy giá khiến giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cao gấp mấy lần giá gốc. Do đó, Bộ Công thương trong thời gian tới cần quản lý tốt hệ thống phân phối, và Bộ Tài chính nên kiểm soát giá chặt chẽ hơn để góp phần lớn cho việc ổn định giá cả.
Về phía Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân. Còn Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai những phương án tối ưu như đầu tư nhiều hơn về khoa học kỹ thuật để tạo ra những con giống cây trồng vật nuôi có hiệu quả cao giúp người nông dân gia tăng thu nhập, ổn định sản xuất nhằm đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm..., tránh gây ra tình trạng thiếu cung, gây sốc giá và làm tăng nguy cơ lạm phát cao. Tóm lại, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát trong năm 2013 phải được đặt ra cho cả 4 Bộ là Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và Ngân hàng Nhà nước.
Lệ Chi